Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc thúc đẩy xích gần kinh tế với châu Á

Việc Trung Quốc và châu Á ngày càng gắn kết trong lĩnh vực kinh tế phản ánh hướng đi của nền kinh tế thứ 2 thế giới sau xung đột thương mại giữa Washington - Bắc Kinh.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại bến container của cảng Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc hồi tháng 8. Ảnh: CFOTO.

Giữa lúc Mỹ tìm cách thuyết phục các nước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và phần còn lại của châu Á đang có những bước tiến đáng kể.

Theo Wall Street Journal, xu hướng gắn kết này phản ánh những ảnh hưởng từ xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu từ cuộc chiến thương mại, sau đó mở rộng sang lĩnh vực công nghệ, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra vào năm 2018, cùng với sự gián đoạn do đại dịch Covid-19, là khởi đầu cho quá trình tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đã chuyển một số yếu tố trong dây chuyền sang các nước láng giềng châu Á nhằm tránh thuế quan hoặc phòng vệ trước những biến động tương lai khi quan hệ Mỹ - Trung đi xuống.

Dữ liệu cho thấy những thay đổi này thường đẩy mạnh thương mại giữa Trung Quốc và các khu vực tại châu Á, phản ánh bản chất phức tạp - đòi hỏi số lượng linh kiện lớn và nhiều công đoạn lắp ráp - của quy trình sản xuất.

Do đó, Mỹ sẽ khó ngăn châu Á xích gần Trung Quốc, nếu không có các bước đi cụ thể thúc đẩy thương mại với thị trường nội địa khổng lồ của chính mình. Các nhà kinh tế gợi ý điều này đồng nghĩa cần ký kết thỏa thuận thương mại, tham gia hiệp định thương mại khu vực hoặc nhiều bước khác giúp các nền kinh tế châu Á gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Lực hấp dẫn kinh tế

Rory Green - trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại TS Lombard ở London - cho biết: “Ở châu Á, Mỹ đang đối mặt với cuộc đấu tranh thực sự khó khăn thực sự. Họ đang đối phó với lực hấp dẫn kinh tế”.

Kể từ tháng 7/2018 - thời điểm Mỹ lần đầu áp thuế với loạt hàng hóa Trung Quốc, tổng thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với 10 nước Đông Nam Á tăng 71% lên 979 tỷ USD trong 12 tháng, tính đến tháng 11/2022, theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc.

Thương mại của Trung Quốc với Ấn Độ tăng 49% so với cùng kỳ. Trong khi đó, so với Mỹ và châu Âu, con số này lần lượt là 23% và 29%.

Điều này phản ánh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với châu Á dễ dàng vượt qua quan hệ của của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với các thị trường lớn khác như thế nào.

Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á ngày càng xích gần trong lĩnh vực thương mại. Ảnh: Zuma Press.

Lực hấp dẫn của Trung Quốc là một phần nguyên do đứng sau xu hướng này. Từ nhiều thập niên trước, các quốc gia giao dịch nhiều hơn với nền kinh tế lớn và với nền kinh tế lân cận.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á, nên nước này trở thành đối tác thương mại tự nhiên của hầu hết nước láng giềng đang phát triển nhanh chóng, giống như Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada và Mexico.

Một lý do khác là hàng xuất khẩu của Trung Quốc gồm điện thoại thông minh, phương tiện và thiết bị nhà máy giá rẻ bán chạy ở các nền kinh tế láng giềng đang phát triển nhanh.

Trung Quốc cũng giảm nhiều loại thuế với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới. Điều này khiến giá các sản phẩm do châu Á sản xuất rẻ hơn với các doanh nghiệp và người tiêu dùng của nước này.

Mối liên kết khó tách rời

Nhiều nền kinh tế châu Á đang có mối quan hệ thương mại thêm sâu sắc với Mỹ, khi các nhà nhập khẩu tìm kiếm lựa chọn miễn thuế thay thế sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, hoặc các nhà xuất khẩu có trụ sở tại Trung Quốc thiết lập cửa hàng ở một quốc gia khác để tránh các hạn chế thương mại của Mỹ.

Theo phân tích năm 2021 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, sau năm 2018, Hàn Quốc chứng kiến nhập khẩu máy xúc đào, hàng dệt may và linh kiện tivi của Mỹ gia tăng, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi thuế quan dưới thời ông Donald Trump.

Trong khi đó, dữ liệu hải quan của Mỹ cho thấy hàng nhập khẩu của nước này từ 10 quốc gia Đông Nam Á cũng tăng 89% kể từ tháng 7/2018.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018, cùng với sự gián đoạn do đại dịch Covid-19, là khởi đầu cho quá trình tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Global Times.

Trong những năm gần đây, hàng chục công ty đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các nước châu Á. Trong khi các quốc gia châu Á được hưởng lợi từ những khoản đầu tư mới này, các nhà máy vẫn cần đầu vào từ Trung Quốc để hoạt động trơn tru. Giới kinh tế nói điều này phần nào đóng góp vào mối liên kết giữa Trung Quốc với các nước châu Á.

Ví dụ, Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, yêu cầu các nhà cung cấp có phương án lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác tại châu Á. Tuy nhiên, công ty này không hoàn toàn từ bỏ Trung Quốc, thậm chí còn tăng khối lượng kinh doanh với một số công ty khác.

Với việc các nền kinh tế châu Á tái cấu trúc khiến họ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, các nhà kinh tế cho rằng Mỹ sẽ cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy thương mại với châu Á, có lẽ bằng cách tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/trung-quoc-thuc-day-xich-gan-kinh-te-voi-chau-a-post1389580.html