Theo Bloomberg, các nhà kinh tế cho rằng việc Trung Quốc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 có thể sẽ gây ra nhiều sự đình trệ cho nền kinh tế trong quý đầu tiên do tình trạng lây nhiễm gia tăng. Trong khi đó, khả năng phục hồi và tăng trưởng sẽ nhanh và mạnh hơn vào năm tới.
Các nhà kinh tế cho rằng việc mở cửa trở lại nhanh hơn sẽ rút ngắn thời gian diễn ra các cú sốc kinh tế và khiến triển vọng tăng trưởng trở nên khó dự đoán trong những tháng tới. Các khoản lỗ cũng có khả năng tập trung vào những tháng xung quanh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời điểm mà hoạt động sản xuất thường chậm lại.
Tìm đường phục hồi kinh tế
“Cách xử lý của chính phủ là vượt qua dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Sự thay đổi chính sách nhanh chóng là để mở đường cho sự phục hồi kinh tế”, ông Yu Xiangrong, nhà kinh tế trưởng của Citigroup, nhận định.
Các nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay và nâng mức dự báo trong năm 2023 kể từ khi chính phủ đột ngột chấm dứt chính sách “Zero Covid” trong vài tuần trước. Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng sẽ suy yếu xuống 3% vào năm 2022 và phục hồi lên 4,9% vào năm tới.
Việc Trung Quốc loại bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 có thể sẽ khiến các nhà phân tích phải sửa đổi dự báo một lần nữa.
Ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis SA, cho biết bản thân đang cắt giảm dự báo tăng trưởng trong hai quý, từ giờ cho đến cuối tháng 3, xuống còn 3%, trước đó con số này là 3,5%. Ông cũng kỳ vọng một sự phục hồi “mạnh mẽ” sẽ đến từ tháng 4 trở đi.
Sự thay đổi chính sách sẽ là một tổn thất ngắn hạn nhưng mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc
Ông Gary Ng, một nhà kinh tế cấp cao tại Natixis SA
“Sự thay đổi chính sách sẽ là một tổn thất ngắn hạn nhưng mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc”, ông Gary Ng nhận định.
Ông Yu Xiangrong kỳ vọng các dịch vụ tiêu dùng sẽ phục hồi sớm và nhanh hơn dự kiến khi năm mới bắt đầu. Bên cạnh đó, ông cũng dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng khoảng 11% trong năm tới, lên khoảng 50 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 7,2 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn cầu đang đến gần. Điều này sẽ kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc.
“Điều khó khăn là dù chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực mở cửa nền kinh tế trong nước, đây vẫn không phải là thời điểm hoàn hảo. Các hoạt động liên quan đến xuất khẩu và sản xuất sẽ chậm lại, điều này có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc”, bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại ING Groep NV, nhận định.
Theo ông Niu Li, một nhà kinh tế học của Trung tâm Thông tin Quốc gia (SIC), ước tính tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ giảm từ mức 9,1% trong 11 tháng đầu năm nay xuống còn 3% trong năm tới. Tổng sản phẩm quốc nội có thể sẽ tăng 5,2% trong năm sau và lạm phát sẽ duy trì ở mức tương tự như năm nay.
Doanh nghiệp vẫn thận trọng
Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc vẫn đang tiến hành những kế hoạch đầu tư và tuyển dụng trong sự thận trọng do niềm tin vẫn chưa được cải thiện.
“Nhiều công ty đã chứng kiến nhân viên của họ phải trải qua tình trạng cực kỳ khó khăn trong suốt thời kỳ chính sách “Zero Covid” được áp dụng. Những ứng viên tài năng ngày càng ít háo hức chuyển đến Trung Quốc làm việc. Sự tổn thất về niềm tin và danh tiếng trong 3 năm qua sẽ cần thời gian để xây dựng lại”, ông Noah Fraser, Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp Canada tại Trung Quốc, bình luận.
Theo ông Joerg Wuttke, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, các công ty không vội vàng tăng cổ phần của họ tại Trung Quốc dù động thái của chính phủ sẽ “có khả năng” thúc đẩy niềm tin kinh doanh.
“Với việc Trung Quốc đang thay đổi cách đối mặt với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục chờ xem tình hình thực tế diễn biến như thế nào trong những tuần tới, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định dài hạn nào đối với các khoản đầu tư vào Trung Quốc”, ông Joerg Wuttke cho biết.