Lifestyle

Tự gây hại khi phàn nàn quá nhiều về công việc

Nhân sự nào cũng từng một lần than thở về những điểm gây thất vọng trong công việc. Song, nếu không khéo léo, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào thế bất lợi.

Nhân sự nào cũng từng một lần than thở về những điểm xấu trong công việc. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

“Tôi không thể ngừng phàn nàn về công việc hiện tại. Dù đôi lúc mọi thứ khá ổn định, tôi vẫn thích than vãn về nó. Điều này khiến tôi thoải mái nhờ được giải tỏa nhiều bức xúc”.

Thực tế, nhân viên nào cũng từng ít nhất một lần bày tỏ thái độ bất mãn đối với những vấn đề liên quan đến nơi công sở.

Theo Huffpost, đây là phản ứng bình thường nhằm trút bỏ năng lượng tiêu cực (gồm thất vọng, lo âu và stress ở nhiều cấp độ) sau thời gian dài lao động vất vả.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân bức xúc không thay đổi, những lời phàn nàn sẽ liên tục lặp lại. Chúng dần trở thành một thói quen khó bỏ, gây mệt mỏi cho người nghe lẫn chính bạn.

Mặt khác, khi tinh thần thường xuyên ở trạng thái chán chường, bực dọc, chúng ta dễ đánh mất tinh thần làm việc nghiêm túc, gây hại đến năng suất chung.

Dưới đây là lời khuyên từ một số chuyên gia đời sống văn phòng nhằm giúp nhân viên phàn nàn về công việc sao cho không để lại hậu quả.

................................................................................................................................

Nhân sự dễ bị xử lý kỷ luật nếu phàn nàn với không đúng người. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Hại nhiều hơn lợi

Theo tác giả chuyên viết về văn hóa công sở Monica Torres, chúng ta tự đẩy mình vào thế bất lợi khi than vãn liên tục về công ty hoặc đồng nghiệp.

Trước hết, phàn nàn với nhầm người hoặc ở nơi không phù hợp có thể bị phản tác dụng, thậm chí hủy hoại sự nghiệp của bạn.

Dưới góc nhìn của luật sư lao động Ryan Stygar, mọi kiểu than thở về về thói quen hoặc đạo đức làm việc của đồng nghiệp khác thường được cho là tin đồn.

Trong trường hợp bị khiếu nại, bạn không được bảo vệ về mặt pháp lý và dễ gánh chịu hình thức xử lý nặng.

“Vấn đề giữa cá nhân với nhau thuộc vùng nội dung nguy hiểm. Nhân sự cần cẩn thận, cân nhắc kỹ để tránh ‘lỡ lời’ với ai đó tại công ty. Rõ ràng, không phải ai cũng là người biết lắng nghe và kín miệng. Mọi chuyện sẽ chỉ vỡ lở khi bạn hứng chịu hậu quả”, Stygar cảnh báo.

Ngoài ra, phàn nàn quá nhiều mà không thể giải quyết vấn đề cũng dẫn đến tình trạng dồn nén tâm lý. Theo kinh nghiệm của Jordan White, nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép ở Florida và Illinois (Mỹ), đây là lúc để nhân sự lùi lại một bước và xem xét kỹ lưỡng tình hình.

Lo âu, khó kiểm soát sự giận dữ, thậm chí là kiệt quệ, trầm cảm là kết quả khó tránh nếu để tình hình kéo dài. Nếu nhận thấy mình không thể dừng phàn nàn về nhiều chủ đề liên quan đến công việc hoặc sếp, đã đến thời điểm cho bạn tìm kiếm điều gì đó mới mẻ”, anh nói.

................................................................................................................................

Ở góc độ tích cực, than vãn là cách bộc lộ cảm xúc chân thật với người thân thiết. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Phàn nàn chỉ hiệu quả khi nào?

Không ai có thể phủ nhận hậu quả khi phàn nàn quá nhiều.

Song, nhiều chuyên gia về sức khỏe tinh thần lại xem đây là cơ hội tốt khi chúng ta thành thật chia sẻ cảm xúc riêng với bạn bè và những người gần gũi.

“Đôi khi, bạn chỉ cần được lắng nghe chứ không cần được cung cấp giải pháp. Ở mặt tích cực, chúng ta đang sống đúng với tiếng nói nội tâm, cũng như cho phép người thân thiết hiểu mình hơn.

Việc này sẽ giúp trấn an và xoa dịu thần kinh đang căng thẳng”, nhà trị liệu tâm lý Cathy Ranieri (Mỹ) cho biết.

Tương tự, nhà tâm lý học lâm sàng Tanisha Ranger cũng không khuyến khích nhân viên công sở giả vờ ổn định, khi thực tế họ đang gặp nhiều vấn đề gây bức xúc. Sự tích cực độc hại sẽ bào mòn, khiến họ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Thay vào đó, Ranger ủng hộ những cuộc trò chuyện “xả giận” có giới hạn. Hãy tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cung cấp đủ thông tin và bối cảnh để đối phương kịp hiểu và cảm thông. Ngoài ra, đừng quên rằng người nghe không mắc lỗi gì với bạn.

Do đó, tôn trọng, chừng mực là yếu tố cần được lưu ý khi bắt đầu thảo luận. Đồng thời, nhờ giao tiếp khôn khéo, chúng ta sẽ dễ dàng thu về sự khẳng định, sẻ chia cần thiết từ mọi người.

“Quan trọng hơn cả, bạn cần linh hoạt và sử dụng ngôn từ cẩn thận, đặc biệt khi nói chuyện với người cùng doanh nghiệp. Hãy đảm bảo những lời phàn nàn được dùng để cải thiện lỗ hổng trong cách thức vận hành chung, thay vì chỉ để thỏa mãn cảm xúc cá nhân”, Stygar nói thêm.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tu-gay-hai-khi-phan-nan-qua-nhieu-ve-cong-viec-post1422981.html