Lifestyle

Vượt qua cú sốc bị cắt giảm, nhanh chóng tìm công việc mới

Công ty cắt giảm nhân sự đột ngột ngay trước Tết, Ngọc Ánh cùng nhiều đồng nghiệp rơi vào cảnh lao đao. Tìm việc mới giữa làn sóng sa thải cũng không hề dễ dàng.

“Anh đã gửi email cho thôi việc, mai các bạn có thể lên dọn đồ về”.

Tin nhắn thông báo cho thôi việc cả phòng marketing từ sếp vào một buổi tối khiến Ngọc Ánh (25 tuổi, Quảng Ngãi) không khỏi bất ngờ. Khi đó, cô làm làm việc cho siêu thị cao cấp mới thành lập ở quận 1 (TP.HCM) được 6 tháng.

Trước đó, Ánh và đồng nghiệp không hề được thông báo về đợt cắt giảm nhân sự. Khi hỏi bộ phận nhân sự về việc xem xét bồi thường hợp đồng lao động, cô được cho biết: “Công ty có quyền đuổi ngang nếu sếp thấy nhân viên làm việc không hiệu quả”.

Bức xúc trước cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của công ty, Ánh làm đơn khiếu nại. Cuối cùng, cô được đền bù một tháng lương, nhưng không có lời xin lỗi nào.

“Mất việc sát Tết, các bạn trong nhóm tôi khá lao đao, có người không về quê ăn Tết mà ở lại TP.HCM kiếm việc bưng bê để trang trải. Tôi may mắn hơn khi có quỹ tiết kiệm nhỏ nên về nhà rồi lên tìm việc lại. Tôi cũng vay mượn thêm của bố mẹ”, cô kể.

Ngọc Ánh nhận thấy tìm việc trong làn sóng sa thải khó khăn hơn trước đây.

Ánh nhanh chóng rải CV (hồ sơ ứng tuyển), nhưng tìm việc mới trong thời điểm nhiều công ty cắt giảm nhân sự là không hề dễ dàng. Cô nhận thấy ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hoặc yêu cầu nhân sự có kỹ năng chuyên môn cứng, kinh nghiệm lâu năm hay mời từ nơi khác về.

Bản thân Ánh cũng gặp một số tình huống dở khóc dở cười như nhà tuyển dụng hẹn phỏng vấn vòng 2 nhưng “mất hút”, công ty bia startup đánh trượt ứng viên vì “không biết uống bia”, nơi gửi email sai chính tả, chỗ tuyển vị trí marketing nhưng yêu cầu kỹ năng phiên dịch với mức lương dành cho nhân viên tập sự.

Câu chuyện của Ngọc Ánh không phải là cá biệt.

Chị Trang Nguyễn, quản lý tuyển dụng và host của kênh podcast The workaholics, chia sẻ với Zing năm 2023, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, các “ông lớn” như Microsoft, Google, Amazon,... đều ảnh hưởng và có số lượng cắt giảm nhân sự lớn khiến nhiều người hoang mang.

Thực tế cho thấy không chỉ cấp nhân viên mà cả các vị trí quản lý đều có thể nằm trong danh sách tối ưu, cắt giảm. Điều này xảy ra do yếu tố từ thị trường, sự sắp xếp, cơ cấu lại nhân sự trong nội bộ.

Giữ vững tinh thần

Sau 6-7 năm đi làm, Kim Ngân (29 tuổi, Đồng Nai) lần đầu tiên rơi vào cảnh bị cắt giảm nhân sự ở công ty công nghệ tại TP.HCM.

Trong buổi họp hàng tuần cuối tháng 11/2022, sếp chia sẻ công ty gặp khó khăn và đọc tên những nhân sự chính thức được cho nghỉ việc từ hôm sau. Giống như nhiều đồng nghiệp, cô có chung tâm trạng lo sợ và buồn.

Dù được thông báo trước về tình hình khó khăn của công ty, Kim Ngân vẫn cảm thấy buồn khi nằm trong danh sách nhân sự bị cắt giảm.

“Khi nghe tên mình, tôi có nhiều cảm xúc: xấu hổ, buồn và có chút chấp nhận vì bản thân không xuất sắc nên mới bị lựa chọn. Tuy nhiên, tôi phải nhanh chóng lấy lại tinh thần và thu xếp đồ để bàn giao”, cô kể.

Bộ phận của Ngân có 4/20 nhân sự bị cắt giảm. Cô cho rằng lý do là hiệu suất công việc không đáp ứng kỳ vọng của cấp trên, KPI có thể đạt, nhưng không vượt trội, nên khi bắt buộc lựa chọn sa thải, sếp đã cân nhắc và nhìn nhận nhiều yếu tố.

Hơn nữa, từ dịch Covid-19, các công ty công nghệ ồ ạt tuyển dụng nhân sự.

Khi tình hình trở lại bình ổn, doanh nghiệp không phát triển tốt như dự đoán sẽ dễ xảy ra tình trạng dư thừa. Chuyện cắt giảm nhân sự sẽ phải xảy ra nếu cần thiết.

Sau khi nghỉ việc, Ngân gửi CV đi một số nơi, nhưng dừng lại sau vài ngày.

“Với năng lực và kinh nghiệm của mình, không quá khó để tôi tìm công việc mới có thu nhập đủ trang trải và dư dả một chút. Tuy nhiên, để cống hiến và hài lòng, tôi nghĩ thật sự khó khăn”, cô lý giải.

Ngân quyết định dành vài tháng nghỉ ngơi để học thêm kỹ năng mới và suy nghĩ lại về định hướng công việc. "Tôi không còn ở độ tuổi 22-23 để có thể nhảy việc nhiều và nhận lương mà đảm nhận công việc mình không yêu thích".

Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Đức Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và marketing tại một công ty ở Hà Nội, cho hay khi đột ngột mất việc, thay vì đau buồn, người lao động cần tập trung vào việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp.

Theo anh Nguyễn Đức Anh, thay vì mất nhiều thời gian vào việc đau buồn khi bị cắt giảm nhân sự, người lao động nên xem đây là thời cơ để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

“Thất nghiệp vào bối cảnh khó khăn chung như hiện tại chưa chắc đã là thảm họa”, anh nói.

Theo đó, việc phải cắt giảm nhân sự là tín hiệu chứng tỏ doanh nghiệp đó đang có vấn đề trong kết quả kinh doanh, người lao động sẽ khó phát triển sự nghiệp ở nơi như vậy. Thực tế, nếu nhân sự phát triển hơn, công ty không đủ tốt cũng sẽ không giữ chân được nhân sự.

Theo anh Đức Anh, người lao động nên xem đây là thời cơ để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở những công ty vẫn đang phát triển và tuyển dụng trong giai đoạn này.

Luôn có phương án dự phòng

Chị Trang Nguyễn nhận định trong bối cảnh ai cũng có thể có tên trong danh sách tinh giảm, người lao động không nên chủ quan. Thay vì thế, họ nên bắt tay vào thực hiện các phương án dự phòng.

Còn nếu đã có tên trong danh sách nghỉ việc, nhân sự không nên chần chừ mà hãy nhanh chóng:

  • Đánh giá bản thân với góc nhìn tích cực

Nhìn ở góc độ khách quan hơn, việc cắt giảm nhân sự không hẳn để giảm đi những người yếu kém nhất. Thị trường khó khăn khiến các công ty cần tối ưu, giảm, dừng dự án mới, giảm lượng việc và giữ lại những người được coi là phù hợp nhất hiện tại.

Điều quan trọng là tập trung vào đánh giá các điểm mạnh, yếu của bản thân, kinh nghiệm đã tích lũy, mong muốn sắp tới cụ thể để sẵn sàng cho bước tiếp theo.

Chị Trang Nguyễn nhận định người làm việc ở vị trí nhân viên hay cấp quản lý đều không thoát khỏi “vòng nguy hiểm” trong làn sóng sa thải.

  • Cập nhật, xây dựng CV hoàn chỉnh và tốt nhất

Sau khi nhìn lại kinh nghiệm và vị trí mà mình hướng đến, nhân sự nên dành nhiều tâm huyết để tạo cho mình bản CV chỉn chu, đầy đủ và phù hợp với vị trí ứng tuyển nhất có thể.

Hiện tại, các website tìm việc có nhiều biểu mẫu CV giúp tạo hồ sơ tìm việc ưng ý một cách nhanh chóng. Người lao động có thể xin ý kiến từ người thân, bạn bè, cá nhân có kinh nghiệm hơn về tuyển dụng để được góp ý về CV nhằm đảm bảo không vướng lỗi sai nhỏ nhất.

  • Tìm kiếm cơ hội mới

Tìm cơ hội mới để phát triển bản thân bằng cách liệt kê các vị trí trong ngành nghề của mình hoặc tại lĩnh vực khác. Nghỉ việc cũng có thể là cơ hội để khám phá những lĩnh vực mới và phát triển kỹ năng mới.

Nhân sự có thể sử dụng đa kênh tìm việc trực tuyến hoặc đăng ký tại các trung tâm tuyển dụng. Ngoài ra, họ có thể tìm việc qua các mối quan hệ chất lượng, nhờ giới thiệu.

  • Dành thời gian học tập và nâng cao năng lực

Không ít người dành toàn bộ thời gian để làm việc trong nhiều năm mà không có khoảng nghỉ để trau dồi năng lực. Với góc nhìn tích cực, đây là thời điểm để mài giũa kỹ năng, kiến thức qua các khóa học trực tiếp hoặc trực tuyến.

Từ bước đánh giá bản thân và xác định mong muốn, người lao động có thể nhìn rõ điểm thiếu nào trong năng lực là cần cải thiện.

  • Luyện tập kỹ năng phỏng vấn

Phải thực tế rằng thời điểm khó khăn chung của thị trường thì tìm việc cũng sẽ hạn chế hơn. Vì vậy, bên cạnh hồ sơ tốt, người lao động cần luyện tập phỏng vấn. Lên danh sách những câu hỏi có thể gặp trong phỏng vấn, rà soát lại kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Đừng quên việc so sánh, tìm hiểu thông tin về công ty, thị trường để có các câu trả lời phỏng vấn thực tế, phù hợp và cầu thị.

  • Giữ tinh thần lạc quan và tìm kiếm người đồng hành

Người lao động nên tin rằng đâu đó vẫn có cơ hội cho mình, chỉ cần kiên trì tìm kiếm và chuẩn bị tốt hơn nữa. Song song quá trình này, người thân, bạn bè và đồng nghiệp, sếp cũ có thể là người đồng hành, hãy chia sẻ cùng họ và xin lời khuyên.

Trong thời điểm khó khăn chung của thị trường, cơ hội tìm việc cũng sẽ hạn chế hơn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bản thân Ngọc Ánh trong thời gian thất nghiệp cũng tranh thủ học thêm kỹ năng mới, bổ sung kiến thức chuyên ngành bằng cách đọc sách, chuẩn bị đi học chuyên sâu. Cô cũng tìm cách mở rộng kết nối trên Linkedin với những người làm công tác nhân sự/săn nhân tài,... và duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ để tăng khả năng tìm việc mới.

Bên cạnh giữ tinh thần không hoảng loạn, theo Ánh, việc có khoản tiết kiệm đề phòng rủi ro là rất hữu ích.

Hòa nhập môi trường mới

Sau khoảng một tháng tìm việc, Ngọc Ánh gia nhập một công ty thực phẩm ở vị trí nhân viên marketing. Bắt đầu ở môi trường mới, cô phải làm quen mọi thứ lại từ đầu.

Ánh thấy may mắn khi đồng nghiệp đều hòa đồng, chào đón người mới và đào tạo kỹ lưỡng, quản lý thân thiện, sát sao cấp dưới. Văn hóa công ty xây dựng theo kiểu thiết lập mối quan hệ thân thiết, xem nhau như người một nhà.

“Để nhanh chóng hòa nhập, tôi nghĩ có thể hỏi đồng nghiệp nhiều câu liên quan đến công việc, nhờ hỗ trợ, giúp đỡ. Cùng đặt đồ ăn vặt cũng là cách để xóa bỏ khoảng cách”, cô chia sẻ.

Theo anh Đức Anh, bắt đầu công việc mới đồng nghĩa với sếp mới, đồng nghiệp mới, văn hóa mới, thậm chí là ngành nghề mới. Mỗi thứ sẽ có rào cản cho người lao động để có thể làm việc và chứng minh giá trị bản thân.

Nhân sự mới nên dành thời gian đầu tiên để quan sát, trao đổi, định hình rõ mục tiêu của công ty, văn hóa tổ chức, tính cách và sở thích của cấp trên cũng như đồng nghiệp, từ đó chuẩn bị cho mình hành trang để nhanh chóng trở thành một phần của tổ chức.

“Trong giai đoạn biến động như hiện nay, nhiều trường hợp chuyển sang công ty mới đồng nghĩa bắt đầu ở một ngành nghề mới. Khi đó, họ cần dành thời gian để chuẩn bị thật kỹ các kiến thức cơ bản của ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh, sẵn sàng tâm lý cầu thị, ham học hỏi để hòa nhập nhanh với môi trường mới”, anh nói.

Luôn học hỏi cái mới và trau dồi các kỹ năng của bản thân là điều cần thiết với người lao động dù ở trường hợp nào. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Chị Trang Nguyễn cũng lưu ý về những cách để người lao động tránh gặp rào cản ở môi trường mới:

  • Tìm hiểu thông tin về môi trường mới

Trước khi đến với môi trường mới, nhân sự nên tìm hiểu về văn hóa, quy tắc ứng xử và quy định của nơi đó. Khi có những thông tin nhất định, họ sẽ nhanh chóng hòa vào câu chuyện, công việc mới hơn. Đặc biệt, điều này cũng thể hiện bản thân là người cầu thị, có sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng.

  • Tham gia hoạt động chung của công ty

Việc tham gia các nhóm trò chuyện, buổi gặp gỡ, giúp người lao động biết được nhiều đồng nghiệp mới và tạo mối quan hệ mới. Thực tế, có nhiều câu chuyện và cách thức làm việc mà nhân sự chỉ biết được rõ hơn khi trò chuyện thoải mái ngoài công việc với nhau.

Ngoài ra, tìm kiếm điểm chung với đồng nghiệp trong môi trường mới giúp tạo sự gắn kết và thấu hiểu hơn về những người xung quanh.

  • Tìm người hỗ trợ và sẵn sàng tiếp đón điều mới

Người lao động nên tìm cá nhân có kinh nghiệm hoặc có kết nối để được họ giúp đỡ trong quá trình hòa nhập vào môi trường mới bằng cách quan sát và lắng nghe người hướng dẫn, đặt những câu hỏi phù hợp, kịp thời. Không ngại thay đổi, mở lòng với những điều mới, thử nghiệm và tìm hiểu, cùng với sự thích nghi sẽ giúp nhân sự hòa nhập và thích nghi với môi trường mới nhanh chóng hơn.

  • Thể hiện bản thân và tập trung vào công việc

Nhân sự nên chủ động giới thiệu bản thân với đồng nghiệp. Điều này giúp tạo sự kết nối và tăng sự đồng thuận. Đồng thời, điều quan trọng là luôn ghi nhớ lý do đến công ty mới là gì, tập trung hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao, báo cáo và phản hồi kịp thời.

Hiện tại, Kim Ngân về quê được một tháng sau 5 năm ở TP.HCM. Cô tìm được công việc với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng và ở gần gia đình, nhưng đã từ chối nhận việc do một số điều kiện chưa phù hợp.

Hướng đi của Ngân là khởi nghiệp lần 2 ở quê hương. Sau này, cô không chắc có quay trở lại môi trường công sở hay không khi độ tuổi ngày càng lớn và các thế hệ giỏi, nỗ lực gấp nhiều lần.

“Tôi thấy việc bị sa thải và gặp khó khăn chỉ là biến cố, không hoàn toàn quyết định sự thất bại của một người. Đó là cột mốc để bản thân có thể nhìn nhận lại trong công việc liệu đã thực sự cống hiến và hết mình chưa. Chặng đường sau đó ra sao, tùy mỗi người quyết định và lựa chọn phù hợp”, cô nói.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/vuot-qua-cu-soc-bi-cat-giam-nhanh-chong-tim-cong-viec-moi-post1421707.html