Theo chị Hằng Lê, đây là căn homestay chị khởi nghiệp đầu tiên, có vị trí ngay trung tâm quận 1, giá thuê 350 ngàn đồng/đêm, phòng sạch sẽ nhưng hiện bị “ế”. Điều này cho thấy, suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng lan rộng đến hầu hết các phân khúc cho thuê (mặt bằng kinh doanh, khách sạn, homestay, căn hộ dịch vụ…).
“Nhà ế một phần vì suy thoái kinh tế, phần nữa vì tôi chuyên tâm cho lĩnh vực cho thuê căn hộ và khách sạn, do đó hạng mục homestay không có thời gian tập trung vào. Càng ngày càng ít khách đi”, chị Hằng cho biết.
Theo chị Hằng, thị trường cho thuê hiện khốc liệt. Nếu nhà đầu tư không chuyên tâm vào một thị trường rất có thể bị thất bại.
Ngoài homestay thì các khách sạn tại trung tâm Tp.HCM cũng rao bán hàng loạt hoặc tỉ lệ cho thuê đạt mức thấp. Anh Tân mua căn nhà ở khu phố Tây Bùi Viện (Q.1) vào năm 2018 và mở homestay, kinh doanh khá tốt. “Thời điểm đó, căn nhà một trệt một lầu với 4 phòng luôn kín khách dù nằm trong hẻm. Có ngày, chúng tôi phải từ chối nhiều booking phòng. Khách du lịch ở phố Tây các năm 2018, 2019 luôn đông chật đường", anh Tân nói.
Giữa năm 2019, nhận thấy thị trường du khách quốc tế khả quan, anh Tân quyết định đầu tư xây căn nhà thành khách sạn mini hơn 10 phòng. Căn nhà vừa xây xong, nội thất cũng đã hoàn thiện nhưng dịch Covid-19 ập tới. Anh Tân đóng cửa đến 2022, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch quốc tế, thì đăng tin cho thuê. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, căn nhà vẫn bỏ trống.
Do có quá nhiều chọn lựa ở phố Tây nên nhiều khách sạn trong khu này đang kinh doanh ế ẩm. Không ít căn bỏ trống. Thậm chí, nhà đầu tư rao bán khách sạn nhưng không ai hỏi mua.
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, chưa khi nào, nội dung liên quan bán khách sạn ở quận 11 nhiều như lúc này. Hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường đông đúc du khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân... rao bán.
Dạo quanh trung tâm Tp.HCM, nhiều khách sạn treo bảng rao bán. Trên đường Đỗ Quang Đẩu (quận 1), một trong bốn đường chính làm nên khu phố Tây (cùng với Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão), một căn mặt tiền rộng 150m2, 7 lầu, rao bán với giá 130 tỉ đồng.
Hay, trên đường Lê Thị Riêng, khách sạn của một hệ thống hạng trung, rao bán 315 tỉ đồng với 10 tầng. Căn góc Lý Tự Trọng - Lê Anh Xuân, Q.1, với 50 phòng có giá bán 420 tỉ... Cùng với đó, một số khách sạn khác lại thay đổi chức năng thành văn phòng cho thuê.
Quan sát thị trường nhận thấy, hiện mảng lưu trú ở Tp.HCM đang rơi vào tình trạng thê thảm. Các khách sạn có thể đầy khách vào những ngày cuối tuần nhưng không thể cứu được các ngày trong tuần vắng vẻ, công suất phòng cả tháng khá thấp.
Chủ đầu tư một khách sạn 4 sao hơn 100 phòng trên đường Hồ Huấn Nghiệp (quận 11) cho biết, công suất phòng của khách sạn cả tháng vào khoảng 50 - 60%, cuối tuần đạt 80% nhưng những ngày trong tuần tầm 40%. Công suất như vậy là quá thấp so với những năm trước đại dịch.
Thực tế, những khó khăn của mảng cho thuê homestay, khách sạn, căn hộ dịch vụ đã lộ rõ từ năm 2022. Không ít nhà đầu tư bỏ hàng trăm triệu đồng làm nội thất để kinh doanh homestay khu trung tâm Tp.HCM phải bỏ chạy vì ế ẩm.
Homestay, airbnb tại Tp.HCM đã thực sự bùng nổ thành một làn sóng đầu tư trong các năm 2017-2018 và kéo dài đến năm 2021. Người thắng nhiều, kẻ thua cũng không ít.
Các lỗi phổ biến nhà đầu tư thường mắc phải là luôn nghĩ tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt 100% nhưng điều này gần như bất khả thi; không trừ hao có những tháng, mùa ế ẩm và thiếu biện pháp cải thiện tình hình kinh doanh khi ế khách. Cùng với đó, việc không biết quản lý, chọn sai khu vực không phù hợp làm homestay hay kinh doanh airbnb, đầu tư nội thất quá đắt khiến khấu hao bị lỗ hoặc không đúng gu thị trường... cũng có thể khiến suất đầu tư thất bại.
Theo một nhà đầu tư, kinh tế suy thoái đã tác động trực diện đến ngành cho thuê căn hộ homestay, khách sạn mini và chưa rõ thời điểm phục hồi trở lại.