Thừa nhận về tình trạng cắt lỗ, bán tháo homestay, resort ở vùng ven Hà Nội, Trần Thanh (nhà đầu tư Hà Nội Nội) cho rằng: “Nếu kinh doanh không có lãi, cắt lỗ là điều dễ hiểu”. Nhà đầu tư này nhấn mạnh: “Muốn kinh doanh, bỏ tiền vào bất kỳ thứ gì, bạn phải có “nghề” về lĩnh vực đó. Ít nhất, bạn phải am hiểu, chứ không phải thấy người khác kinh doanh dễ dàng, thu lãi cao cũng đồng nghĩa bạn có thể làm được như vậy. Nếu kinh doanh, đầu tư lúc nào cũng lời lớn thì cả xã hội đi đầu tư”.
Hiện tại, anh Thanh đang góp vốn đầu tư một homestay tại Ba Vì, Hà Nội. Năm 2020, nhà đầu tư này và các cộng sư bỏ ra 7 tỷ để mua lô đất hơn 2000m2. Năm 2021, một concept homestay ra đời và được triển khai. Cuối năm 2021, homestay này bắt đầu đi vào vận hành. Tổng chi phí đầu tư homestay là hơn 4 tỷ. Trung bình mỗi tháng, doanh thu từ homestay này mang về ước tính 65-70 triệu đồng. Anh Thanh dự tính, khoảng 4-5 năm, số tiền đầu tư sẽ hồi vốn.
“Vì homestay được xây dựng trên địa hình cao, có núi, khí hậu lạnh. Chi phí cho nguyên vật liệu kiến tạo ngôi nhà khá cao. Bù lại, chi phí bảo trì, duy tu hàng năm sẽ giảm. Đó là lý do mà thời gian hoàn vốn dự tính homestay cao hơn so với dự án thông thường”.
Chị M. hiện đang chủ đầu tư homestay ở Thạch Thất cũng dự tính, khoảng thời gian thu hồi vốn cho khoản đầu tư bỏ ra khoảng 2 năm. Số tiền đầu tư lô đất hơn 7000m2 ước tính 20 tỷ đồng. Tổng chi phí xây dựng tiện ích, và buồng phòng khoảng 8 tỷ đồng. Hiện tại, homestay đã đi vào hoạt động 2 tháng. Mỗi tháng, chị M. thu về tổng tiền 400 triệu đồng.
Cũng lựa chọn đầu tư homestay, nhưng anh Thái lại đi theo hướng khác. Năm 2019, anh Thái chi 3,5 tỷ mua căn biệt thự nằm trong dự án ở Hoà Bình. Sau đó, anh ký hợp đồng cho thuê lại với chủ đầu tư và nhận khoản tiền lợi nhuận hơn 10%/năm. Chủ đầu tư có trách nhiệm vận hành cho thuê homestay. Mức lợi nhuận mà anh Thái nhận được cao hơn so với lãi suất gửi ngân hàng. Chia sẻ về lý do lựa chọn kênh đầu tư này, anh Thái cho rằng: “Hiện tại, nhu cầu nghỉ dưỡng ở ngoại ô khá nhiều. Tôi mua homestay như cách giữ tiền. Ngoài tiền lợi nhuận hàng năm, tôi chờ đợi căn biệt thự tăng giá”.
Trên góc độ là người trực tiếp tham gia vào thị trường, tư vấn đầu tư và thiết kế, triển khai nhiều công trình homestay, anh Đoàn Mạnh, CEO Combo Home thừa nhận, trong vòng 3-4 năm trở lại đây, homestay mọc lên như nấm tại các huyện vùng ven Hà Nội và ở các tỉnh như Hoà Bình, Sơn La… Đa phần các homestay mọc lên là tự phát.
Dựa vào vị trí có lợi thế cảnh quan tự nhiên, nhiều chủ homestay chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư buồng phòng và một số tiện ích liên quan, cho thuê. Tuy nhiên, để làm lâu dài với hình thức kinh doanh homestay, nhà đầu tư vẫn phải biết “nghề” quản lý vận hành, chăm sóc khách hàng…
Cũng theo anh Mạnh, không ít nhà đầu tư chọn xuống tiền vào homestay, bởi nhiều lý do. Đầu tiên, so với kênh đầu tư đất nền, homestay vẫn là loại hình đánh vào nhu cầu ở thực. Ưu điểm của loại hình này, đó là tạo ra dòng tiền kinh doanh. Trong khi, “khẩu vị” của nhiều nhà đầu tư hiện nay là tìm đến sản phẩm bất động sản có dòng tiền kinh doanh.
Thứ hai, về tỷ suất lợi nhuận, trung bình 2-5 năm, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn xây dựng. Nếu làm tốt, thời gian thu hồi vốn có thể nhanh 1,5-2 năm. Trong khi với đầu tư khách sạn, thời gian thu hồi vốn phải tốn gấp đôi.
Thứ ba, trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay, với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, homestay là kênh giữ tiền an toàn. Nhờ khả năng mang lại dòng tiền kinh doanh, homestay còn có ưu điểm tăng giá đất trong trung và dài hạn
Anh Mạnh cũng cho rằng, nghỉ dưỡng ngoại ô vẫn là xu hướng trong thời gian tới. Đó là lý do mà nhu cầu nghỉ dưỡng trong homestay vùng ven sẽ còn tiếp tục tăng. Đây là nguyên nhân khiến mô hình homestay vùng ven phát triển.