Tiêu tiền

Vải sờn cũ, gây ngứa và đủ 'kiếp nạn' khi mua áo dài online diện Tết

Hồng An mua tận 4 chiếc áo dài cho mình và người thân qua sàn TMĐT nhưng không mẫu áo nào khiến cô hài lòng. Trong khi đó, Quốc Việt nhận về chiếc áo dài vải linen đã sờn cũ.

Nhiều người trẻ thất vọng khi nhận áo dài kém chất lượng vì mua online. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đã cận Tết nhưng Thùy Chi (28 tuổi, quận 3, TP.HCM) vẫn không có thời gian mua sắm. Ngại cảnh chen chúc, đông đúc tại các con đường như Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu, Nguyễn Trãi… nhân viên văn phòng này chỉ còn cách mua online.

Đắn đo 2 ngày, tối nào cũng xem hết nhiều phiên livestream, Chi chốt được 2 mẫu áo dài cho cô và mẹ. Mỗi mẫu áo có giá 250.000 đồng.

Người bán hàng trên livestream đã mặc sẵn, liên tục giới thiệu đây là áo dài hot nhất, đa dạng màu sắc, nhiều kích cỡ, chất liệu “không phải chê". Chi chắc mẩm mình đã mua được áo dài phù hợp cho ngày xuân năm nay.

Lúc nhận hàng về tay, Chi mới tá hỏa khi những chiếc áo dài mỏng tanh, chất vải không như quảng cáo, đường chỉ thừa ở phần tà áo.

“Cận Tết đổi trả quá mất thời gian, tôi biết giá thành rẻ không thể yêu cầu sản phẩm cực kỳ chất lượng, song vẫn thất vọng. Tôi đánh giá shop 3 sao vì quảng cáo quá đà", Chi nói.

Tương tự như Thùy Chi, nhiều người trẻ cũng là “nạn nhân" của việc mua áo dài online. Khi các sàn thương mại điện tử bùng nổ, việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để mua được một chiếc áo dài ưng ý là điều không dễ.

Nhiều người gặp "kiếp nạn" khi mua áo dài online. Ảnh minh họa: Linh Huỳnh

‘Kiếp nạn’ sắm áo dài online

Thống kê của Metric, nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử, cho biết người Việt đã chi 41,5 tỷ đồng để mua gần 245.000 chiếc áo dài trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo trong tháng 12/2023, thời điểm hai tháng trước Tết Nguyên đán 2024.

Con số này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó. Những con số trên hệ thống Metric cũng cho thấy phân khúc giá thành từ 200.000-500.000 đồng mỗi chiếc áo mang lại doanh thu cao nhất.

Thùy Chi nhận về mẫu áo dài kém chất lượng, không như quảng cáo trên livestream.

Trên các sàn online, doanh thu mặt hàng áo dài năm 2023 đạt hơn 196.000 tỷ đồng, có 2.200 nhà bán hàng cung cấp ra thị trường 894.000 áo dài.

Tại Shopee, một trong các sàn thương mại điện tử lớn, top 10 nhà bán áo dài chiếm 11% doanh thu ngành hàng này. Trong đó, shop lớn nhất bán được hơn 31.100 chiếc một năm, thu về hơn 7,4 tỷ đồng.

Thường xuyên tăng ca tại công ty đến 21h dịp cận Tết Nguyên đán, nhân viên truyền thông Hồng An (26 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không có thời gian đến cửa tiệm may đo áo dài. Hơn nữa, cô không thể “vung tay quá trán”, chi hàng triệu đồng cho tà áo dài du xuân do năm nay không có thưởng Tết.

Mua áo dài may sẵn trên sàn TMĐT là sự lựa chọn của Hồng An. Cô tranh thủ giờ nghỉ trưa tại công ty “lướt” các nền tảng mua sắm trực tuyến, “chốt đơn” được 4 mẫu áo dài cho mình và người thân.

Tuy nhiên khi hàng về tay, Hồng An liên tục thất vọng. Cụ thể, mẫu áo dài rẻ nhất, có giá 250.000 đồng, được làm bằng chất liệu voan mỏng, gây ngứa ngáy khi mặc lên người. Thậm chí, khi diện thiết kế này ngồi tại văn phòng trong thời gian dài, cô còn nhận thấy những nếp gấp hằn lên trên áo, không thể ủi thẳng.

Item đắt hơn, có mức giá 650.000 đồng, sở hữu chất vải tương đối ổn. Tuy nhiên, thiết kế chiết eo nhẹ này không phù hợp với dáng người Hồng An, khiến cô phải cất công mang ra hàng sửa chữa.

“Không được mặc thử, tôi đã cung cấp số đo các vòng, cân nặng, chiều cao, yêu cầu người bán tư vấn. Song, kết quả nhận về vẫn khiến tôi thất vọng”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ.

Quốc Việt thất vọng khi nhận áo dài về tay.

Ngoài ra, Hồng An cũng mua thêm 2 chiếc áo dài online cho bạn thân và cháu gái 5 tuổi. Đơn quà tặng bạn thân bị thất lạc, khiến cô “lo sốt vó”, nhận hàng muộn đến 3 tuần.

Trong khi đó, chiếc áo dài cho cháu gái lại có chất vải tương đối mỏng, màu sắc xỉn, tối hơn so với hình ảnh minh hoạ.

Biết rằng, đây là những rủi ro phải chấp nhận khi mua sắm online, Hồng An vẫn tiếc số tiền hơn 1 triệu đồng bỏ ra cho áo dài may sẵn, cho rằng khoản chi này không “đáng đồng tiền bát gạo”.

Quốc Việt (26 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng lựa chọn mua áo dài trên sàn TMĐT. Nghĩ rằng nam giới sẽ ít mẫu mã, dễ lựa chọn hơn về phom dáng nên anh không trực tiếp đến cửa hàng để thử.

Song, khi hàng về tay lại khiến Việt thất vọng. Anh lựa chọn mẫu áo làm từ vải linen để đứng phom, nhưng sợi vải lại bị sờn nhiều, có thể do cửa hàng quản lý kho chưa tốt.

“Tôi mặc một lần để chụp ảnh trước Tết, nhưng vừa giặt qua một nước màu đã bị xỉn, nhăn và càng sờn hơn", Việt chia sẻ với Tri Thức - ZNews.

Tránh rủi ro khi mua áo dài online

Theo NTK Hà Duy, việc mua sắm áo dài may sẵn trên các sàn TMĐT ngày càng phổ biến do tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Song, theo anh, người tiêu dùng cần trang bị một số thông tin để tránh tình trạng “mang về vứt đó”.

NTK Hà Duy cho rằng 2 nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng sắm áo dài trên các nền tảng mua bán trực tuyến là giá cả phải chăng và khả năng tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng.

Các xưởng may mặc thường sản xuất theo số lượng lớn, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Những mẫu áo dài giá cả phải chăng vì thế xuất hiện nhiều trên sàn thương mại điện tử, được người dùng ưa chuộng.

NTK khuyên người tiêu dùng nên trang bị một số thông tin và mua sắm ở các thương hiệu uy tín để tránh tình trạng “mang về vứt đó”.

Hơn nữa, hoạt động mua sắm online thường diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Khách hàng chỉ cần ngồi nhà, nhấn nút “mua” và chờ đơn hàng được giao đến tận tay.

Việc mua áo dài trực tuyến đặc biệt phù hợp với những người bận rộn dịp cuối năm. Tuy nhiên, quyết định mua sắm này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ nhất, khả năng thiết kế nhận về sai lệch số đo là tương đối cao. Khi không được nhà tạo mẫu lấy số đo, tư vấn, khách hàng phải đối mặt với việc mua áo dài quá rộng hoặc quá chật, không tôn dáng khi mặc lên.

Thứ hai, các hình ảnh trên sàn thương mại điện tử chỉ mang tính chất minh hoạ, tham khảo. Việc nhận về những sản phẩm khác hình, không như kỳ vọng là điều khó tránh khỏi.

Để tránh gặp rủi ro không đáng có, các tín đồ thời trang cần lưu ý một số yếu tố liên quan đến kiểu dáng và chất liệu áo dài.

Về kiểu dáng, NTK cho rằng khách hàng nên lựa chọn các thiết kế cách tân, dáng suông. Những tà áo dài truyền thống thường được “đo ni đóng giày” cho người mặc, phải vừa vặn mới phát huy khả năng tôn dáng.

Về chất liệu, khách hàng nên hỏi kỹ người bán về độ co giãn của vải may áo dài. Đối với chất liệu co giãn tốt, chúng ta có thể mua trang phục đúng kích cỡ hoặc nhỏ hơn 1 size. Đối với chất vải ít co giãn, việc mua áo dài to hơn 1 size giúp các tín đồ thời trang đề phòng rủi ro.

Theo NTK Hà Duy, những thiết kế rộng dễ sửa chữa hơn. Áo dài chật tương đối khó nới ra để vừa vặn với cơ thể người mặc.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/kiep-nan-mua-ao-dai-online-dip-tet-post1459217.html