Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, xô đổ các kỷ lục trước đó. Diễn biến của giá vàng trong nước cũng thường xuyên ghi nhận biến động trái chiều so với thế giới.
Đáng chú ý, vàng miếng SJC vừa thiết lập chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, xác lập đỉnh lịch sử 87,5 triệu đồng/lượng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp thị trường thông qua đấu thầu vàng.
Đấu thầu vàng chưa thể hạ nhiệt thị trường
Trước diễn biến khó lường của thị trường vàng trong nước, giải pháp đầu thầu vàng đã được NHNN triển khai. Tuy nhiên, sau 4 phiên chào thầu với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC/phiên (tương đương 630 kg), nhà điều hành mới chỉ ghi nhận duy nhất 1 phiên bán thành công với khối lượng 3.400 lượng vàng.
Lý do 3 phiên đầu thầu còn bất thành đều do không đủ thành viên đăng ký.
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục tiêu đấu thầu vàng miếng của NHNN là đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như thu hẹp chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Nhưng để ổn định giá vàng, NHNN phải tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải làm tốt chức năng đưa một lượng vàng lớn đổ vào thị trường. Đồng thời, phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Theo ông Hiếu, thực tế lại cho thấy điều ngược lại, khi liên tiếp các phiên đấu thầu vừa qua, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với lượng vàng NHNN chào thầu.
“Thông thường, các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán để mua khối lượng vàng hợp lý với mức giá hấp dẫn, kỳ vọng bán ra có lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu phải mua với số lượng lớn, theo quy định đấu thầu của NHNN tối thiểu là 1.400 lượng vàng, thì rủi ro sẽ kéo tới cho đơn vị mua vàng", TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng cho biết chưa kể thời gian chờ nhận vàng, giao vàng và bán vàng sẽ kéo dài, trong khi giá vàng thế giới luôn biến động khó lường từng giây phút.
Ông Hiếu dự báo nếu nhà điều hành không có biện pháp giải quyết dứt điểm, thị trường vàng vẫn sẽ biến động mạnh, chênh lệch cao so với thế giới. Đặc biệt trong ngắn hạn, giá vàng sẽ còn tăng "rất nóng" trong bối cảnh Nghị định 24/2012 chưa được sửa đổi và sự can thiệp từ các cơ quan quản lý không giải quyết được nguồn cung cầu.
Vị chuyên gia kinh tế đánh giá vàng vẫn là kênh đầu tư hút tiền trong bối cảnh hiện nay. Với nhà đầu tư, lợi nhuận chỉ là một phần động cơ khiến họ xuống tiền. Thực tế chứng khoán biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp khiến nhà đầu tư dồn tiền vào vàng như kênh trú ẩn an toàn, thanh khoản dễ dàng.
"Lợi nhuận của vàng hiện dao động khoảng 10%, cũng là mức sinh lời rất tốt", ông Hiếu nói thêm.
Cần giải pháp lâu dài
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ở góc độ thị trường, về lâu dài, việc xóa độc quyền vàng miếng SJC vẫn là giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác, cũng như giữa giá vàng SJC với giá quốc tế.
Khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp, giá vàng SJC còn tăng và mức chênh lệch so với giá thế giới lên cao, cộng chênh lệch mua - bán là rủi ro lớn cho người mua.
Chuỗi hệ luỵ khi chênh lệch của vàng miếng SJC với thế giới quá cao tạo cơ hội cho hoạt động buôn lậu. Hiện tình trạng nhập khẩu vàng tiểu ngạch hay buôn lậu khiến những người đầu cơ phải "gom" USD ở thị trường tự do. Nhu cầu này lên cao kéo theo giá USD nhảy vọt, tác động đến tỷ giá hối đoái tại các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đấu thầu vàng miếng, có thể xem xét bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
“NHNN nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới. Có thể kiểm soát việc mua vàng bằng cách giao hạn ngạch (quota) trong một năm. Nếu có nhiều nguồn cung, giá vàng sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền”, vị tiến sĩ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng đề xuất phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép nhà điều hành thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt.
Cách này giúp NHNN huy động nguồn lực khoảng 400 tấn vàng đang nằm im trong dân, có thể cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản bảo đảm để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp biến vàng thành ngoại tệ phục vụ cho việc phát triển kinh tế, tương đương với việc tạo ra nguồn thu thuế rất tốt, lại không sợ những chi phí phát sinh về lãi.
Cấp quản lý có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây là tiền đề để các giao dịch vàng được thông suốt và minh bạch. Khi có một sàn giao dịch vàng, lúc đó có thể tính đến vấn đề mua - bán vàng từ tài khoản cũng như xuất hiện thêm các sàn phái sinh, tức là mua - bán vàng tương lai.