Doanh nghiệp

Vì sao làn sóng sa thải quật mạnh vào quản lý cấp trung

Văn hóa làm việc hiệu quả được rao giảng bởi các ông lớn công nghệ như Meta đã làm tỷ lệ các quản lý bậc trung bị sa thải lên đến hơn 30%.

“Hiệu quả” là từ khóa mà các công ty công nghệ ưa chuộng trong thời gian gần đây. Và từ khóa này đã gián tiếp làm các quản lý bậc trung - những người không tham gia vào công việc mà chỉ có vai trò giám sát - bị sa thải ngày càng nhiều.

“Các đồng nghiệp của tôi thường nói quản lý cấp trung là vị trí nguy hiểm nhất”, Cody Sandell, người đã mất việc vào cuối năm ngoái với tư cách là giám đốc quản lý sản phẩm của một công ty khởi nghiệp công nghệ, cho biết.

Quả thật, tỷ lệ quản lý cấp trung phải nghỉ việc đã chiếm gần 1/3 số vụ sa thải, tăng hơn 10% so với năm 2018, theo phân tích của Live Data Technologies.

Cứ 10 người quản lý mới có 1 nhân viên

Tháng 1, United Parcel Service Inc. cho biết họ sẽ tiết kiệm hơn 1 tỷ USD bằng cách cắt giảm 12.000 nhân sự ở vị trí quản lý. Citigroup Inc. lại đặt mục tiêu sa thải 20.000 vị trí trong vài năm tới, giảm từ 13 cấp quản lý xuống còn 8 cấp. Theo một phân tích của Morgan Stanley, số lượt đề cập đến từ khóa làm việc “hiệu quả” ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, sự tự tin trong công việc của các quản lý bậc trung lại ngày càng thấp khi ông chủ của họ yêu cầu nhân sự phải làm được nhiều việc hơn với nguồn lực ít hơn, theo trang web đánh giá việc làm Glassdoor.

Tỷ lệ quản lý bậc trung bị sa thải lên đến hơn 30% so với tổng số vụ sa thải năm 2023. Ảnh minh họa: Vecteezy.

Sự hấp dẫn của một tổ chức tinh gọn đã được phổ biến vào những năm 1980 bởi Jack Welch - Giám đốc điều hành của General Electric Co. Theo đó, ông muốn xây dựng sự “hiệu quả” trong quản lý bằng cách tinh giản quy mô công ty, cụ thể là sa thải bớt quản lý cấp trung. Bởi lẽ, họ thường có mức lương cao và không đóng góp trực tiếp vào các dự án.

Mark Zuckerberg là một “tín đồ” hàng đầu của văn hóa làm việc hiệu quả khi liên tục chỉ trích những mô hình nhân sự có quá nhiều cấp quản lý. Đặc biệt, sau khi Meta Platforms Inc. suy yếu vì thất bại ở kế hoạch Metaverse, ông tuyên bố năm 2023 sẽ là “Năm làm việc hiệu quả” và sa thải hầu hết quản lý của công ty.

“Tôi không nghĩ bạn muốn làm việc ở một công ty nơi mà quản lý còn nhiều hơn nhân viên”, Zuckerberg nói trong một cuộc họp công ty vào năm 2023.

Một “ông trùm” công nghệ khác, Elon Musk, cũng chỉ ra sự cồng kềnh của việc có quá nhiều cấp quản lý. Sau khi tiếp quản Twitter vào năm 2022, ông nhận xét mô hình tổ chức của công ty này quá “lộn xộn” khi cứ 10 người quản lý mới có một nhân viên lập trình.

Làm sao sống sót giữa sóng sa thải?

Việc cắt giảm nhân sự quản lý cấp trung có thể gây ra tác dụng ngược trong công ty.

Tại Meta, quy trình làm việc của nhân viên đã bị đình trệ sau khi những người quản lý cấp trung bị sa thải hàng loạt. Mọi người đều lo lắng về hướng đi của công ty. Bởi lẽ, một trong những vai trò quan trọng của người quản lý là giúp nhân viên cảm thấy được hỗ trợ và có giá trị. Nếu không có họ, hiệu quả làm việc của nhân viên sẽ giảm đi đáng kể vì các quản lý cấp cao không thể quan tâm từng nhân viên.

Tỷ lệ nhân viên - quản lý bậc trung - giám đốc điều hành bị sa thải từ năm 2018-2023. Ảnh: Bloomberg.

Giá trị của các quản lý cấp trung là không thể phủ nhận, theo Bloomberg. Họ như những huấn luyện viên giúp đào tạo nhân sự và xây dựng sự đoàn kết giữa các thành viên trong bộ phận. Điều này khiến việc đo lường hiệu quả công việc của họ phức tạp hơn so với nhân viên và làm họ trở thành đối tượng bị đem ra “tế cờ” trong làn sóng sa thải.

Kendall Smith đã quản lý một nhóm tiếp thị tại công ty khởi nghiệp về công nghệ trước khi cô bị sa thải. Cô đã sống sót trong vài đợt sa thải trước đó nhưng lại không trụ được trong lần gần nhất. Đây là lần thứ 2 cô bị sa thải sau 14 tháng làm việc ở Thung lũng Silicon.

“Những người quản lý bậc trung thường dễ bị nhắm vào vì họ không thể định lượng được những gì mình đã cống hiến”, Smith nói.

Smith cho biết việc thể hiện giá trị của bản thân đã trở thành ưu tiên hàng đầu của cô sau khi sống sót qua đợt cắt giảm đầu tiên. Cô ghi lại những nỗ lực trong công việc của mình và chia sẻ với giám đốc điều hành thường xuyên hơn. Một chiến lược sống sót khác là vừa quản lý nhân viên vừa trực tiếp tham gia công việc.

“Tôi chắc chắn đã nói nhiều hơn về công việc với ông chủ của mình”, cô nói. Tuy nhiên, đến cuối cùng, những nỗ lực của Smith vẫn chưa đủ.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/nhung-nan-nhan-moi-cua-lan-song-sa-thai-hang-loat-post1465622.html