Theo dữ liệu từ TradingView, giá vàng thế giới đã tăng đều đặn kể từ tháng 10/2023 và đạt đỉnh mọi thời đại trong phiên giao dịch 8/3 với mốc 2.195 USD/ounce.
Đà tăng của giá vàng sau đó chững lại rồi quay đầu giảm. Dù vậy, kim loại quý thế giới vẫn giao dịch quanh vùng 2.160 USD/ounce, cao hơn mức đỉnh từng thiết lập được trong cả năm 2023.
Diễn biến này đã hỗ trợ mạnh mẽ giá vàng trong nước. Trong đó, vàng miếng SJC đã xác lập kỷ lục hôm 13/3 với giá bán ra đạt 82,5 triệu đồng/lượng. Đến nay, mặt hàng này vẫn đang được giao dịch quanh vùng giá cao 82 triệu đồng/lượng.
Với vàng nhẫn, giá bán ra cũng đã vượt mốc 71,3 triệu/lượng, xác lập mức đỉnh mới. Thậm chí, có thời điểm một số cửa hàng vàng tại Hà Nội và TP.HCM rơi vào tình trạng "cháy" vàng nhẫn vì không đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao của người dân. Hiện giá mặt hàng này đã giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì vùng giá trên 70 triệu đồng/lượng.
Lý do vàng, Bitcoin, chứng khoán đồng loạt tăng
Theo ông Trương Gia Tuệ, chuyên gia phân tích Học viện New World Education, diễn biến tăng "sốc" của giá vàng thời gian qua có thể xuất phát từ những yếu tố địa chính trị đang xảy ra như cuộc chiến tranh ở dải Gaza, xung đột Nga - Ukraine..., biến vàng thành kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.
Đồng thời, do nguồn cung có hạn, kim loại quý cũng là hàng rào chống lạm phát của thế giới sau giai đoạn Covid-19.
Cùng chung quan điểm này, ông Nhật Hoài, chuyên gia giao dịch tại New World Education, cũng cho rằng vàng luôn được coi là tài sản an toàn (safe haven) trong thời điểm tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại, tồn tại nhiều rủi ro địa chính trị.
Trong khi đó, kim loại quý tương quan nghịch với đồng USD. Chỉ số USD Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ lớn - liên tục giảm từ tháng 2 giúp vàng tăng giá.
Đà tăng của vàng được giữ vững do các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào nhằm phòng hộ cho lạm phát kể từ cuối năm ngoái
Ông Nhật Hoài, chuyên gia phân tích, giao dịch New World Education
“Đà tăng của vàng cũng được giữ vững do các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào nhằm phòng hộ cho lạm phát kể từ cuối năm ngoái”, ông Hoài nói thêm.
Chưa kể nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn sẽ giảm lãi suất từ tháng 6. Lãi suất giảm khiến vàng hấp dẫn hơn trái phiếu và các khoản đầu tư khác.
Điều đáng nói, vàng tăng giá trong bối cảnh Bitcoin và chứng khoán cũng đang đi lên.
Theo các chuyên gia, nếu như vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn nhằm phòng hộ cho lạm phát và những bất ổn của nền kinh tế thì Bitcoin và chứng khoán vốn là những tài sản rủi ro, thu hút dòng tiền của giới đầu tư khi có kỳ vọng tích cực về sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Ba tài sản này có mối liên hệ mật thiết với nhau trong tổng thể lớn là thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên về lý thuyết, nhà đầu tư thường kỳ vọng cả 3 loại tài sản sẽ giao dịch ngược chiều, nhưng thực tế thời gian qua, chúng lại có chung diễn biến.
Ông Trương Gia Tuệ giải thích nguyên nhân là các dòng thanh khoản tích cực làm tăng giá các loại tài khoản. Giá vàng tăng cao tạo ra tâm lý lạc quan cho các thị trường khác. Trong khi đó, sự tăng trưởng do nhiều thông tin tốt của Bitcoin và thị trường tiền mã hóa cũng có thể làm tăng giá các tài sản khác khi nhiều nhà đầu tư hướng đến việc chốt lời và cân đối danh mục đầu tư.
Với thị trường chứng khoán, cả trong nước và quốc tế đã ghi nhận xu hướng phục hồi tích cực từ cuối năm ngoái đến nay. Trong đó, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 25% kể từ đáy tháng 11/2023, trong khi chỉ số Dow Jones (Mỹ) cũng đã tăng gần 20% giai đoạn này.
Triển vọng khó đoán
Dẫu vậy, triển vọng trong thời gian tới của các kênh tài sản này vẫn là câu hỏi lớn. Riêng với giá vàng, ông Trương Gia Tuệ kỳ vọng kim loại quý có thể tăng mạnh.
Lý do đưa quan điểm này là thị trường vẫn đặt kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 5 hoặc 6. Lãi suất của Mỹ giữ nguyên ở mức cao 5,25-5,5% và tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức 3% kể từ tháng 7 là những vấn đề buộc Fed phải giải quyết. Và giá vàng luôn có xu hướng tạo mối quan hệ nghịch với lãi suất.
Bên cạnh đó, cơn sốt vàng vẫn đang diễn ra. Các ngân hàng trung ương vẫn liên tục gia tăng lượng mua vào lên tới hàng nghìn tấn vì mục đích “phi USD hóa". Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu, trong khi ngân hàng trung ương các quốc gia Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng thỏi.
Tiếp theo là các xung đột địa chính trị liên quan đến nguồn cung dầu, xung đột trên Biển Đỏ làm ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cũng như tuyến đường vận tải dàu mỏ lớn.
Căng thẳng tại dải Gaza; xung đột Nga - Ukraine kéo dài hay những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela có thể xảy ra khiến lo ngại giá dầu tăng và đẩy giá vàng tiếp tục tăng cao.
Ông Nhật Hoài cho rằng trong ngắn hạn, giá vàng đang rơi vào trạng thái mua quá mức (overbought) nên có khả năng điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh sau một đợt tăng mạnh là hành vi giá bình thường của mọi loại tài sản tài chính.
“Hướng đi gần nhất của vàng có thể được quyết định bởi báo cáo lạm phát (CPI) tháng 3 của Mỹ”, vị chuyên gia này nhận định.
Dù dự báo vàng có thể tăng tiếp trong dài hạn, ông Hoài cho rằng vẫn khó nói trước xu hướng này sẽ tác động như thế nào tới các kênh đầu tư khác.
“Vàng, chứng khoán và bất động sản luôn là những kênh phòng hộ lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, đà tăng hay giảm giá của từng kênh đều đến từ những lý do khác nhau.
Thị trường chứng khoán tăng giá do sức mạnh nội tại của nền kinh tế và kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư. Còn bất động sản tăng giá một phần do tình trạng phân lô, bán nền, thổi giá, đầu cơ. Do đó rất khó để khẳng định nếu vàng tăng giá trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến chứng khoán và bất động sản”, ông Hoài phân tích.