Ảnh: Quartr

Doanh nghiệp

Vị trí tỷ phú giàu nhất thế giới và tương lai của LVMH

LVMH là tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới với hàng chục thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Dior, Marc Jacobs, Tiffany & Co… Ông Bernard Arnault, người sẽ tròn 75 tuổi vào tháng ba tới, đồng sáng lập LVMH vào những năm 1980 và là Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của tập đoàn...

Tuần trước, bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes cho thấy tài sản của ông Bernard Arnault hiện đạt gần 208 tỷ USD, sau khi tăng gần 24 tỷ USD hôm 26/1. Trong khi đó, tài sản của Elon Musk là hơn 204 tỷ USD. Điều này giúp ông Arnault vượt Elon Musk để thành người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 30/1, tài sản của ông Arnault tăng 1,3 tỉ USD còn tài sản của ông Elon Musk đã tăng tới 5,5 tỉ USD, nên vị tỷ phú ngành công nghệ đã nhanh chóng giành lại “ngôi vương”. Kịch tính vẫn chưa dừng ở đó. Thẩm phán Kathaleen McCormick tại bang Delaware (Mỹ) ngày 30/1 đã ra phán quyết vô hiệu khoản chi trả trị giá 55,8 tỉ USD của Tesla dành cho tỉ phú Elon Musk, theo Reuters.

Gói trả thù lao trị giá 55 tỉ USD cho Elon Musk tại công ty Tesla đã bị thẩm phán bang Delaware của Mỹ bác bỏ, sau khi một cổ đông phản đối rằng nó cao một cách quá đáng và không công bằng. Phán quyết này khiến tài sản của Musk trong tương lai sẽ “bấp bênh”, vì gói trả lương quyền chọn này là một trong những tài sản giá trị nhất của ông. Nếu khoản chi này vô hiệu thì ông Elon Musk sẽ rơi xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng và nhường lại ngôi vương cho chủ tịch Tập đoàn LVMH.

Thời gian gần đây, ông Arnault và Musk thay phiên nhau dẫn đầu danh sách người giàu thế giới. Lần gần nhất, ông chủ LVMH giữ ngôi đầu từ cuối năm 2022 đến giữa tháng 6/2023.

Trong khi vị chủ tịch của LVMH vẫn đang tiếp tục trong “cuộc đua” giành ngôi vị giàu nhất thế giới, tờ La Lettre của Pháp mới đây đưa tin, ông Bernard Arnault đang có kế hoạch bổ nhiệm hai con trai của mình vào hội đồng quản trị của tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Theo đó, tỷ phú người Pháp muốn đề cử các con trai của ông là Alexandre Arnault (31 tuổi) và Frédéric Arnault (29 tuổi) làm thành viên hội đồng quản trị. Việc bổ nhiệm họ sẽ cần phải được các cổ đông chấp thuận tại cuộc họp thường niên của công ty vào tháng 4, nhưng đó chủ yếu chỉ là hình thức.

Nếu việc bổ nhiệm được thông qua, sẽ có đến bốn trong số năm người con của tỷ phú Bernard Arnault ngồi vào những chiếc ghế trong hội đồng quản trị LVMH. Delphine - con cả và cũng là con gái duy nhất của ông - đã tham gia hội đồng quản trị từ năm 2003, còn con trai thứ hai Antoine trở thành giám đốc từ năm 2006.

Tờ Business Newspaper nhận định nếu Frédéric - Alexandre trở thành thành viên hội đồng quản trị, cuộc đua giành chức Chủ tịch LVMH giữa các anh chị em nhà Arnault có thể sẽ bước vào giai đoạn mới vô cùng căng thẳng và quyết liệt. Bên cạnh đó, nếu kế hoạch tiến cử 2 con trai của Chủ tịch Bernard thành công, vị thế của gia tộc Arnault ở tập đoàn LVMH sẽ càng thêm được củng cố. Ở thời điểm hiện tại, phía gia đình Arnault nắm giữ 48% cổ phần của LVMH và 64% quyền biểu quyết.

Ông Arnault vẫn chưa đưa ra bình luận công khai về người kế nhiệm. Trong buổi công bố báo cáo tài chính thường niên của LVMH vào ngày 25/1, ông Arnault một lần nữa nhấn mạnh “thành tích xuất sắc của bộ phận Thời trang & Đồ da”. Trong năm qua, bộ phận này đã đạt được tổng doanh thu 42,16 tỷ euro, đánh dấu mức tăng 9% so với năm trước và mức tăng trưởng của sản lượng và doanh thu bán hàng đáng chú ý là 14%.

Chủ tịch LVMH Bernard Arnault (giữa) cùng vợ ông - Helene cùng các con. Từ trái sang: Frederic, Delphine, Antoine và Alexandre.

Đặc biệt, vị giám đốc điều hành này dành hết những lời khen ngợi cho hai viên ngọc quý trong tập đoàn là nhà mốt Christian Dior và Louis Vuitton. Bernard Arnault nhận xét: “Đây là hai trong số những thương hiệu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực soft luxury (bao gồm các danh mục như túi, trang phục và phụ kiện), với Chanel và Hermès là đối thủ cạnh tranh chính”.

Và doanh nhân người Pháp đã bổ sung thêm Tiffany & Co. và Bulgari vào danh sách ở phân khúc hard luxury (danh mục dành riêng cho đồng hồ và trang sức). Hai đối thủ nặng ký mà hai thương hiệu này phải đối mặt là Cartier và Van Cleef & Arpels của Tập đoàn Richemont. Ông Arnault nói: “Trong số những thương hiệu mạnh nhất thế giới, chúng tôi đã sở hữu một nửa trong số đó, điều này khá đáng khen ngợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem liệu chúng tôi có thể mở rộng phạm vi hợp tác này một chút hay củng cố các thương hiệu khác của mình hay không”.

Trong hội nghị, ông Bernard Arnault giải thích rằng mức tăng trưởng tối đa 8 - 10% là đủ và thậm chí còn góp phần vào “sự khao khát của thương hiệu”. Sự thay đổi chiến lược này dường như báo trước rằng lợi nhuận ở những năm sau của tập đoàn sẽ bị chậm lại. Ông nói: “Chúng tôi có tốc độ tăng trưởng cực cao, thậm chí quá cao. Chúng tôi cần chậm lại một chút. Vấn đề không phải là tăng trưởng mà là sự thèm khát của các khách hàng”.

Ngoài ra, ông cũng gợi ý rằng các thương hiệu hàng đầu của ông nên sản xuất ít hơn và đầu tư ít hơn vào tiếp thị. “Chúng tôi đã đạt đến giai đoạn không còn cần mức tăng trưởng như vậy nữa. Và tôi sẽ rất vui nếu tốc độ tăng trưởng có thể giảm”. Để duy trì sự khan hiếm và mong muốn của khách hàng, chiến lược mà họ cần phải dựa nhiều là chiến lược sản phẩm thay vì khối lượng hàng được bán.

Các thương hiệu hàng đầu của tập đoàn LVMH có thể sẽ sản xuất ít hơn và đầu tư ít hơn vào tiếp thị.

Để có thể thích nghi với sự thay đổi hướng tới mục tiêu ấy, LVMH đã trải qua một cuộc tái tổ chức vào đầu năm. Delphine Arnault, con gái của Bernard Arnault, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Christian Dior. Trong khi Pietro Beccari, người trước đây giữ chức vụ này tại nhà mốt Dior, vẫn đảm nhận vai trò lãnh đạo nhưng được thuyên chuyển sang Louis Vuitton. Hơn nữa, sau khi giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Louis Vuitton trong một thập kỷ, Michaël Burke đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Thời trang LVMH, giám sát các hãng thời trang khác của công ty.

Doanh thu của LVMH đã tăng vọt trong năm 2023. Giá trị vốn hoá thị trường của LVMH ước đạt 444 tỷ euro (tương đương hơn 491 tỷ USD), giúp tập đoàn lọt vào danh sách top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Đặc biệt, nếu con số tiếp tục đi lên tới 500 tỷ USD, LVMH sẽ là công ty châu Âu đầu tiên đạt được cột mốc này.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/vi-tri-ty-phu-giau-nhat-the-gioi-va-tuong-lai-cua-lvmh.htm