Cổ phiếu và doanh thu của nhiều thương hiệu xa xỉ đã tăng trưởng vượt trội trong thời kỳ đại dịch, trong số đó LVMH đã từng đạt mức tăng trưởng hai con số một thời gian dài và nhanh chóng trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu, dưới sự lãnh đạo của Bernard Arnault – tỷ phú giàu thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, ngày 11/10, cổ phiếu của công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới Moët Hennessy Louis Vuitton, hay còn gọi tắt là LVMH, đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm, mất 6% sau báo cáo về doanh số bán hàng quý 3 đáng thất vọng. Theo đó, mặc dù doanh số bán hàng tăng 9% trong quý 3 lên 19,9 tỷ EUR, nhưng tốc độ tăng trưởng về doanh số đã giảm gần một nửa so với quý trước (doanh số quý 2 của LVMH tăng 17%), phản ánh doanh số bán hàng xa xỉ giảm nhẹ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Dù vậy, xem xét trên cả một quá trình dài, khó có thể nói rằng ngành này đang thu hẹp quy mô. Bởi lẽ, doanh số từ bộ phận hàng thời trang và đồ da của LVMH, nguồn tạo ra lợi nhuận chính của hãng, nhiều hơn 80% nếu so với quý 3/2019 - thời điểm trước đại dịch. Ngành công nghiệp này đã có một bước phát triển đáng kinh ngạc so với thời điểm Covid-19 xuất hiện, và đang ở một vị thế rất khác so với 3 năm trước.
Do đó, dù đang dần mất ưu thế tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, ngành này được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024, và những "bước đi chậm lại" vừa qua chỉ phán ánh tình hình kinh tế vĩ mô chứ không đại diện cho một "dấu chấm hết" với biểu đồ tăng trưởng của hàng xa xỉ.
Theo các nhà phân tích, vẫn có những hứa hẹn và tiềm năng trong ngành nhưng không phải tất cả mọi thương hiệu đều có thể nhận ra chúng. Với LVMH, họ nhận ra rằng thị trường kính mắt xa xỉ, bao gồm kính râm và kính cận, trên thế giới hiện đang tăng trưởng nhanh chóng.
Các tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ hiện sản xuất đa dạng các loại gọng kính có chất lượng cao hơn và phong cách. Kính râm đang trở nên thịnh hành hơn ở châu Á, trong khi nhu cầu kính cận gia tăng khi con người làm việc trên máy tính và sử dụng điện thoại nhiều hơn. Theo EssilorLuxottica, nhà sản xuất và phân phối mắt kính, gọng và kính râm hàng đầu thế giới, doanh số bán kính mắt toàn cầu vượt 107 tỷ USD vào năm 2022, với mức tăng trưởng khoảng 5% trong những năm tới.
Vì thế, mới đây nhất, nhà sản xuất kính mắt Thélios của tập đoàn LVMH đã ký thỏa thuận mua thương hiệu kính mắt Barton Perreira của Mỹ, hãng kính được các ngôi sao điện ảnh và ca sỹ quốc tế ưa chuộng, theo báo cáo của Wall Street Journal (WSJ). Thỏa thuận đã được ký kết và việc mua lại sẽ hoàn tất trong vài tuần tới. Alessandro Zanardo, Giám đốc điều hành của Thélios, nói với WSJ rằng thương hiệu Barton Perreira “nổi tiếng và có uy tín ở Hoa Kỳ”, không những thế còn “có phạm vi mở rộng rất lớn”.
WSJ cho biết hoạt động này sẽ định giá thương hiệu kính mắt Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 2007, vào khoảng 80 triệu USD (chỉ khoảng 75 triệu euro). Trước đó, hồi đầu tháng 9, Thélios mua thương hiệu kính mắt Vuarnet của Pháp từ quỹ đầu tư NEO Investment Partners thuộc Anh quốc. Ông Zanardo cho biết kính mắt không chỉ đơn thuần là một sản phẩm được sản xuất tại một nhà máy, gắn logo lên và đưa ra thị trường mà thực sự là một sản phẩm thiết kế sáng tạo. Chất lượng kính mắt ngày một gia tăng, khiến khách hàng quan tâm nhiều hơn đến một chiếc kính xa xỉ.
Hai thỏa thuận mua lại các thương hiệu kính mắt trong vòng hai tháng cho thấy LVMH ngày càng chú trọng hơn đến thị trường kính mắt và ngành hàng xa xỉ. LVMH ra mắt Thelios năm 2017 để sản xuất kính mắt cho các thương hiệu thời trang thuộc tập đoàn như Louis Vuitton, Celine, Loewe và Berluti. Ông Zanardo cho biết Thelios đã tạo dựng thiết kế riêng, có chuyên môn trong sản xuất và phân phối, nên giờ là lúc họ quyết định thâu tóm các thương hiệu khác để có thể tiếp tục phát triển, bắt đầu với Vuarnet.
Trong một diễn biến khác, nhiều nguồn tin trong giới hiện nay tiết lộ rằng, LVMH có thể mua lại toàn bộ Off-White trong thời gian tới. Thương hiệu thời trang mang phong cách đường phố này thuộc về New Guards Group với thỏa thuận cấp phép có thời hạn đến năm 2035. Thỏa thuận này hiện trong tay Farfetch khi công ty mua lại New Guards Group vào năm 2019. Năm 2021, khi đang đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo tại LVMH, Virgil Abloh đã bán 60% cổ phần của thương hiệu cho LVMH, giữ lại 40% cổ phần và định hướng sáng tạo của riêng mình, với thỏa thuận cấp phép vẫn nằm trong tay Farfetch và New Guards Group.
Tại thời điểm đó, người ta cho rằng LVMH vẫn chưa mua lại được Off-White, nhưng thay vào đó họ đã mua một thứ có thể có giá trị lớn hơn nhiều: một lượng cổ phần đáng kể trong bộ não của Off-White. LVMH đã trả một khoản tiền chưa từng có để mua Off-White LLC. Đây là Công ty trách nhiệm hữu hạn mà qua đó Abloh thực hiện các hoạt động kinh doanh cá nhân của mình. Có lẽ đây cũng là công ty nắm giữ IP liên quan đến nhãn hiệu và bản quyền của Off-White.
Khi giấy phép hết hạn vào đầu năm 2026, Abloh có quyền chuyển hướng các hoạt động kinh doanh của Off-White. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của nhà thiết kế khiến thương hiệu gặp ảnh hưởng mạnh mẽ. Hiện tại, rõ ràng LVMH muốn hoàn tất chiến lược của mình và mua lại giấy phép kinh doanh thương hiệu từ Farfetch. Điều này sẽ thực sự mang ý nghĩa là LVMH đã sở hữu “tấm vé” cần thiết để chuyển đổi từ “xa xỉ” sang “xa xỉ tiến bộ”—và xét đến sự thay đổi trong nhận thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng ngày nay, giá trị truyền thông sẽ là vô giá.
Ngoài ra, việc mua lại Off-White của LVMH nếu trở thành sự thật thì một lần nữa thể hiện sức mạnh đầu tư của tập đoàn với danh mục rộng khắp trong ngành xa xỉ. Được thành lập từ những năm 1980 bởi doanh nhân Bernard Arnault, LVMH đã không ngừng mở rộng và hiện sở hữu đến 75 thương hiệu hàng đầu trong các lĩnh vực thời trang, trang sức, mỹ phẩm…