Du lịch

Việt Nam không lép vế khi giành khách tự túc với Thái Lan, Singapore

Du khách tự túc có thể đến Singapore, Thái Lan để mua sắm, nhưng sẽ chọn Việt Nam cho hành trình khám phá thiên nhiên, trải nghiệm ẩm thực.

Đợt cao điểm du lịch Tết Nguyên đán vừa qua, Hà Giang, Đà Lạt ùn tắc. Tại những cung đường dẫn về điểm tham quan "hot", hàng trăm xe máy nối nhau. Vốn dĩ, Tết cổ truyền Việt Nam luôn là dịp thu hút đông đảo khách ngoại.

Tuy nhiên, giai đoạn này, tình hình bán tour của nhiều doanh nghiệp lữ hành lại không mấy khả quan. Nguyên nhân một phần bởi nhiều năm qua, du khách đã thay đổi thói quen du lịch. Thông thạo ngoại ngữ, làm chủ công nghệ và khao khát sự riêng tư, khách có xu hướng đi tự túc, từ chối đơn vị lữ hành.

Đó là chia sẻ của ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel, với Tri Thức - Znews về tình hình kinh doanh thời gian vừa qua. Với doanh nghiệp này, du khách đã thay đổi, họ cũng buộc phải đổi mới để bắt kịp xu hướng, đón dòng khách FIT (Frequent Independent Travelers - du lịch tự túc) ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Thích ứng

Theo ông Khánh, lượng khách FIT đặt tour dịch vụ lẻ tại doanh nghiệp mình tăng trên 50% so với quý I/2023. Hầu hết, những người du lịch tự túc là giới trẻ, hoặc khách inbound thích chủ động, tự do thời gian, thích khám phá những điều mới lạ.

TP.HCM là địa điểm thu hút đông đảo du khách quốc tế, gây ấn tượng nhờ nhịp sống sôi động cùng bản đồ ẩm thực đa dạng. Ảnh: Phương Lâm.

Tương tự, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Vietluxtour cho biết: "Thực tế, trước đại dịch Covid-19 đã khá thịnh hành loại hình du lịch FIT và phía công ty cũng phục vụ loại hình này rất sớm theo nhu cầu thị trường. Dự kiến, quý I/2024, thị phần này tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ. Đối tượng khách hàng mục tiêu là khách gia đình, khách văn phòng sinh sống tại các đô thị lớn, Việt kiều…".

Có thể thấy, các doanh nghiệp lữ hành nhận định du khách FIT là nhóm khách hàng tiềm năng, thúc đẩy đơn vị thay đổi, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cốt lõi:

▸ Chuyển đổi hình thức kinh doanh: Trước kia các doanh nghiệp lữ hành tập trung bán tour trọn gói, nhưng tương lai nên bổ sung bán thêm dịch vụ đơn lẻ, các dịch vụ thiết kế riêng, cá nhân hóa cho khách hàng.

Theo bà Thu, không khó để thiết kế sản phẩm đa dạng, nhưng doanh nghiệp lữ hành cần phải có chuyên môn và dịch vụ chăm sóc khách hàng thật tốt để sẵn sàng hỗ trợ và đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Vì đây là dạng tour mở, du khách có thể phát sinh thêm nhiều nhu cầu vui chơi giải trí khác sau khi đã đặt dịch vụ.

Ông Khánh cho rằng loại hình du lịch theo kiểu Free and Easy hay combo tour ở Việt Nam chưa thực sự phát triển như thế giới vì khách hàng nghĩ rằng tự mình đặt khách sạn, vé máy bay sẽ rẻ hơn vì có thể săn vé. Nhưng, thực tế giá vé máy bay luôn biến động bất thường, nhất là trong thời điểm giá máy bay tăng cao như hiện nay, nên du khách nên cân nhắc việc chọn tour lẻ qua đơn vị lữ hành.

"Thực tế, các gói du lịch dịch vụ lẻ đặt tại doanh nghiệp lữ hành uy tín giúp tiết kiệm hơn so với việc tự đặt vé máy bay/ôtô và phòng khách sạn riêng lẻ. Bởi các doanh nghiệp lữ hành luôn mức giá ưu đãi với phía hàng không và khách sạn do lấy số lượng vé nhiều và từ sớm", ông Khánh cho hay.

Du khách giải trí tại Thảo Điền, TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Bên cạnh việc tiết kiệm, linh hoạt cũng là một điểm mạnh khiến loại hình tour nổi bật. Bà Thu cho biết khi lựa chọn gói dịch vụ lẻ du khách có thể đặt và sử dụng dịch vụ ngay, tức có thể mua dịch vụ cận thời gian khởi hành. Đây cũng là loại hình du lịch thuận tiện cho các du khách bận rộn, chưa sắp xếp được kế hoạch đặt chỗ sớm hoặc muốn du lịch tự do, không theo các lịch trình cố định.

▸ Chuyển đổi hình thức tiếp cận khách hàng: Thời điểm hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, doanh nghiệp càng cần chuyển đổi số, tăng cường truyền thông quảng bá trên nền tảng mạng xã hội để phục vụ trực tuyến đến khách hàng đơn lẻ. Đối với các doanh nghiệp lữ hành lớn, có thể xem xét việc tạo app công nghệ như các ứng dụng đặt dịch vụ của Traveloka, Booking, Agoda…

"Việc quảng cáo trên nền tảng xã hội cũng cần sự đầu từ về nhân sự cũng như chi phí. Phía công ty phải xây dựng đội ngũ marketing riêng, đào tạo cách tiếp cận trực tuyến với khách hàng. So với kinh phí đầu tư cho hoạt động truyền thông, lợi nhuận kinh tế không nhiều, nhưng giúp phát triển thương hiệu của công ty", ông Khánh nhận định.

Đủ sức cạnh tranh với các nước lân cận

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết xét về lợi thế điểm đến cho dòng khách FIT, so với hai nước Thái Lan và Singapore, Việt Nam còn có những thách thức về "4T", đó là tiếp cận, trú ngụ, tiện nghi, thái độ.

Sân bay Changi (Singapore), sân bay quốc tế Bangkok (Thái Lan) là trung tâm vận chuyển hàng không quốc tế trọng điểm hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, với tần suất chuyến bay đều đặn, chi phí ưu đãi. Đồng thời, hai quốc gia này đều là trung tâm mua sắm nổi tiếng trong khu vực châu Á, thái độ của người làm du lịch của hai điểm đến này cũng nổi trội hơn nước ta.

"Nhưng không có nghĩa Việt Nam kém hấp dẫn, vì nước ta sở hữu nguồn tài nguyên nổi bật, sở hữu bờ biển dài 3.260 km, hệ sinh thái đa dạng và thực vật phong phú, cùng nền văn hoá đặc sắc với 54 dân tộc. Việt Nam cũng là nơi có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận, như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… Những đặc điểm này phù hợp tính cách thích khám phá, trải nghiệm của thị trường khách FIT", ông Long nhận định.

Du khách quốc tế hòa mình vào không khí cổ động bóng đá tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Ông Khánh cũng cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút dòng khách FIT. Thông tin cởi mở, giao thông thuận tiện, con người thân thiện, an ninh đảm bảo là những yếu tố lợi thế ông Khánh đưa ra.

"Hiện nay, hàng không đã mở rộng nhiều đường bay thẳng từ quốc tế đến Việt Nam và ngược lại. Khi khách nước ngoài đến Việt Nam các thông tin về điểm đến rất cởi mở trên internet. Nhìn sang Trung Quốc, họ dùng mạng xã hội riêng, còn Việt Nam chúng ta mọi thông tin về địa điểm ăn uống, đường đi… đều được định vị chính xác, cụ thể trên mạng. Đồng thời, khách du lịch FIT không phải là chỉ đi một mình, mà có thể đi theo đoàn, nên việc an ninh đảm bảo là điểm sáng, thu hút du khách đến Việt Nam", ông Khánh nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/viet-nam-khong-lep-ve-khi-gianh-khach-tu-tuc-voi-thai-lan-singapore-post1467350.html