Nhà sáng lập và Tổng Giám Đốc Oxalis Adventure và Oxalis Holiday hoạt động tại Quảng Bình Chủ tịch OneStep Việt Nam, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, giám sát tuân thủ trách nhiệm xã hội (CSR) và phát triển bền vững tại Đông Nam Á
Ngành du lịch thế giới đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của khách FIT (Frequent Independent Travelers - du lịch tự túc) và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Đây là xu hướng tất yếu của du lịch thế giới, đặt Việt Nam vào cơ hội đổi mới và tăng trưởng nhằm bắt kịp thị trường. Nhưng đây cũng là thách thức lớn khi chúng ta có nhiều năm kinh doanh du lịch theo hình thức B2B (bán tour thông qua đối tác nước ngoài) để đưa khách vào du lịch Việt Nam.
Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam
Trên thực tế, những tháng đầu năm của 2024, hơn 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, gần bằng so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch). Có những thị trường khách tăng vượt bậc như Australia, Ấn Độ, Mỹ và một số thị trường khác. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh du lịch mảng inbound (khách quốc tế đến nội địa).
▸ Những cơ hội lớn:
Thu hút lượng lớn du khách tiềm năng: Du khách FIT là nhóm khách hàng tiềm năng với nhu cầu đa dạng, thích khám phá và trải nghiệm độc đáo. Nắm bắt xu hướng này sẽ giúp Việt Nam thu hút lượng lớn du khách quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nâng cao vị thế du lịch Việt Nam: Việc đáp ứng tốt nhu cầu của du khách FIT sẽ góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, thu hút đầu tư và tạo dựng thương hiệu du lịch quốc gia.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Nhu cầu cá nhân hóa của du khách FIT thúc đẩy doanh nghiệp du lịch phát triển các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng thị hiếu và sở thích đa dạng của du khách.
▸ Thách thức:
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch inbound trong những năm qua chủ yếu theo mô hình B2B - bán sản phẩm du lịch thông qua đại lý nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn xây dựng sản phẩm và thực hiện chương trình du lịch cho khách, trong khi đối tác ở nước ngoài chịu trách nhiệm tìm kiếm, bán tour và gửi khách qua cho đối tác Việt Nam thực hiện.
Việc kinh doanh mô hình B2B giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí marketing và bán hàng. Tuy nhiên, với thời đại của công nghệ như hiện nay, du khách có thể tự mua, tự đặt nhiều dịch vụ khắp nơi trên thế giới mà không cần thông qua đại lý du lịch hay công ty trung gian. Thị trường B2B đang thu hẹp dần và tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. Các thách thức mà những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức B2B có thể gặp phải bao gồm:
Doanh nghiệp chưa thích nghi: Nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn tập trung vào mô hình B2B, chưa chuyển đổi sang mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến trực tiếp khách hàng) để tiếp cận khách FIT.
Hạ tầng và dịch vụ chưa đáp ứng: Hạ tầng du lịch, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của du khách FIT.
Quảng bá điểm đến chưa hiệu quả: Quảng bá điểm đến chưa bài bản, thiếu chiến lược chuyên nghiệp, chưa tạo được sức hút với du khách FIT.
▸ Nguy cơ tụt hậu:
Nếu không bắt kịp xu hướng FIT, Việt Nam sẽ bị các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore bỏ xa. Doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, thu hút du khách. Ngành du lịch Việt Nam sẽ mất đi cơ hội phát triển mạnh mẽ và tiềm năng to lớn.
Tiềm năng du lịch Việt Nam
Việt Nam, với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch xanh và bền vững. Đất nước ta sở hữu bờ biển dài 3.260 km, hàng triệu km2 thềm lục địa và hàng nghìn con sông, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng với rừng nguyên sinh và hệ động, thực vật phong phú.
Việt Nam cũng là nơi có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận, từ vịnh Hạ Long đến phố cổ Hội An, từ khu danh thắng Tràng An đến vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mỗi địa danh đều là minh chứng cho vẻ đẹp và giá trị văn hóa sâu sắc của quốc gia.
Du lịch xanh không chỉ là một lựa chọn du lịch, mà còn là một phần của cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam đã và đang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và khuyến khích du lịch có trách
Với việc thúc đẩy du lịch xanh, Việt Nam không chỉ tạo ra cơ hội để khách du lịch trải nghiệm và học hỏi về bảo tồn thiên nhiên và văn hóa, mà còn góp phần vào việc tạo ra công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ những giá trị tuyệt vời mà thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng.
Như vậy, tiềm năng của du lịch Việt Nam trong lĩnh vực du lịch xanh và bền vững là rất lớn, không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế mà còn là cơ hội để thể hiện cam kết với một tương lai bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai. Đây chắc chắn sẽ là một hướng đi quan trọng và cần thiết cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Giải pháp
Mô hình kinh doanh du lịch B2B vẫn đang phát triển tốt với những thị phần khách như các nhóm khách lớn tuổi, thị trường khách dùng ngôn ngữ hiếm, giới siêu giàu, các đoàn học sinh, sinh viên, các hình thức MICE. Bên cạnh có cần phát triển và đầu tư vào mô hình B2C để tiếp cận được nhóm khách FIT đang tăng dần theo thời gian. Các giải pháp bao gồm và không giới hạn như:
Chuyển đổi sang mô hình B2C: Doanh nghiệp du lịch cần xây dựng website, ứng dụng di động, kênh mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, đầu tư vào marketing trực tuyến, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), quảng cáo trực tuyến (SEM) và cung cấp dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của du khách FIT.
Đẩy mạnh quảng bá điểm đến: Tạo dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam trên các kênh truyền thông trực tuyến, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, kết nối với các đối tác du lịch quốc tế, tăng cường quảng bá hình ảnh, video, bài viết về điểm đến trên mạng xã hội.
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Đào tạo nguồn nhân lực có khả năng giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng bán hàng trực tuyến và kiến thức về du lịch FIT, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách trong suốt hành trình.
Bắt kịp xu hướng du lịch tự túc là "chìa khóa vàng" cho sự phát triển của du lịch inbound Việt Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình B2C và đẩy mạnh quảng bá điểm đến sẽ giúp doanh nghiệp du lịch Việt Nam cạnh tranh hiệu quả, thu hút du khách quốc tế và góp phần đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới.