Quần đảo Koh Phi Phi, ngoài khơi bờ biển phía tây miền Nam Thái Lan, nổi tiếng nhờ bộ phim Hollywood The Beach, có sự góp mặt của nam tài tử Leonardo DiCaprio. Nơi đây thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm nhờ những bãi biển hoang sơ và làn nước trong xanh.
Nhưng đợt nắng nóng chết người kỷ lục đã tấn công khu vực suốt nhiều tuần gần đây, cùng với lượng mưa thấp kéo dài đã khiến các hồ chứa cạn kiệt, SCMP đưa tin.
Wichupan Phukaoluan Srisanya, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Krabi, đại diện cho các khách sạn trong khu vực, cho biết: "Công ty tư nhân cung cấp nước cho quần đảo có thể phải ngừng dịch vụ".
Bà nói thêm rằng chính quyền đảo đã thảo luận về việc vận chuyển nước từ đất liền nếu thời tiết khô hạn tiếp tục nhưng cũng muốn trì hoãn với hy vọng mùa mưa sẽ đến vào tháng 5.
"Nhưng chúng tôi muốn đảm bảo với khách du lịch đang có kế hoạch đến thăm các hòn đảo rằng chính quyền có thể quản lý được vấn đề này", bà Wichupan nhấn mạnh.
Những người dân yêu cầu giấu tên cho biết họ đã phải chịu cảnh thiếu nước ngọt trong nhiều tháng, điều đó khiến một số khách sạn phải hạn chế đặt phòng.
Trên mạng xã hội, nhiều khách du lịch chia sẻ kinh nghiệm đã cảnh báo du khách "kiểm tra xem chỗ ở của họ có nước ngọt hay không" trước khi chọn lưu trú.
Một người viết trên trang đánh giá TripAdvisor rằng "vòi nước máy đã ngừng chảy" vì các hồ chứa nước trên đảo đã khô cạn kể từ cuối tháng 4.
Các nhà điều hành du lịch địa phương đã nhiều lần kêu gọi đầu tư cung cấp nước dài hạn cho quần đảo Koh Phi Phi, nơi thiếu đủ hồ chứa và cơ sở hạ tầng.
Ở Vịnh Thái Lan, Koh Samui - một hòn đảo du lịch nổi tiếng khác - cũng đang trải qua thời tiết khô nóng tương tự, nhưng cơ quan du lịch địa phương cho biết du khách không bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Koh Samui Ratchaparon Poolsawadee cho biết: "Chúng tôi có đủ nước từ một chiếc xe tải chở nước, nhưng nó làm tăng chi phí vận hành các khách sạn lên gấp 3 lần".
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ tạo ra những đợt nắng nóng thường xuyên, kéo dài hơn và dữ dội hơn.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc, trong khi hiện tượng El Nino góp phần tạo nên thời tiết nóng bức đặc biệt trong năm nay, châu Á cũng đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Cơ quan này nói thêm rằng lục địa này là "khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước vào năm 2023".
Nắng nóng đỉnh điểm, được ví như "sát thủ thầm lặng", đã bao trùm phần lớn Nam và Đông Nam Á trong những tuần gần đây, khiến hàng chục người thiệt mạng, buộc hàng triệu học sinh phải nghỉ học và mùa màng bị tàn phá.
Các kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ ở Thái Lan, Lào, Philippines... Theo chuyên gia thời tiết, đây là điều chưa từng xảy ra trong 3 thế kỷ qua.
Tại Thái Lan, trong khoảng một tuần vào tháng 4, chính quyền Bangkok đã đưa ra cảnh báo nhiệt độ cực cao hàng ngày khi chỉ số nhiệt lên tới 52 độ C. Thời tiết khắc nghiệt đã khiến trái sầu riêng vỡ nứt trên cây ở nước này, tàn phá vụ lúa và khiến sản lượng trứng gà teo tóp.
Tại Philippines, chỉ số nhiệt ghi nhận vào ngày 28/4 tại thành phố Iba là 53 độ C, chính phủ đã hủy các lớp học trực tiếp tại 47.000 trường học.
Bangladesh trải qua tháng 4 nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ cao nhất hàng ngày cao hơn từ 2 đến 8 độ C so mức trung bình cao nhất là 33,2 độ C trong tháng.
Tại Myanmar, nhiệt độ lên tới 48,2 độ C tại thị trấn Chauk, vùng Magway ở miền Trung - đánh dấu nhiệt độ tháng 4 nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận thông số này.