“Ngày nào tôi về nhà, bố tôi cũng đi làm về muộn”, Hwang Joon Pyo - 22 tuổi, sống ở Seoul - chia sẻ. “Điều này khiến tôi trăn trở rất nhiều, liệu tôi có thể làm việc như vậy hay không?".
Cách đây không lâu, Hwang theo học ngành khoa học tại Đại học Hàn Quốc nhằm tiếp bước cha mình, ông Hwang Sung Kwan - người điều hành nhà máy dược phẩm ở phía nam Seoul. Tuy nhiên, cậu con trai 22 tuổi nói cuộc sống của cha không phải là điều mình muốn.
Anh đã rời đại học để tập trung cho giấc mơ làm DJ. Nhưng người cha vẫn nuôi hy vọng con trai sẽ trở lại trường để nghiên cứu khoa học hoặc kỹ thuật.
“Nhưng đó là quyết định của ai? Đó là quyết định của con trai tôi, cuộc sống của con trai tôi”, ông nói.
Tại Hàn Quốc, câu hỏi “làm việc để sống hay sống để làm việc” luôn là tâm điểm chú ý. Theo SCMP, quá trình công nghiệp hóa đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, nhưng cũng đi kèm hệ lụy. Cạnh tranh xã hội cao khiến nhiều người trì hoãn kết hôn và sinh con, trong khi chi phí giáo dục và nhà ở tăng chóng mặt.
Cuộc tranh luận ấy trở nên đặc biệt gay gắt khi gần đây, chính phủ đề xuất tăng số giờ làm việc tối đa từ 52 lên 69 giờ/tuần. Trước sự phản đối, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ đang xem xét lại đề xuất này.
“Tổng thống cho rằng thời gian làm việc trong tuần nhiều hơn 60 giờ là điều không khả thi, kể cả khi đã bao gồm làm ngoài giờ”, ông Ahn Sang Hoon, cố vấn cấp cao của Tổng thống Yoon Suk Yeol, nói với báo giới. “Chính phủ sẽ lắng nghe cẩn thận hơn ý kiến của thế hệ MZ (tức Gen Y và Gen Z)”, theo KBS.
Người Hàn Quốc được làm việc linh hoạt hơn?
Theo NBC, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định việc tăng giới hạn thời gian làm việc ngoài giờ hàng tuần sẽ giúp người lao động linh hoạt hơn, tăng chất lượng cuộc sống và thời gian họ được ở bên gia đình.
Hồi tháng 3, theo lập luận của bộ trưởng Lao động Hàn Quốc, bằng cách giới hạn làm thêm giờ hàng tháng hoặc hàng năm thay vì hàng tuần, người lao động được phép tự tính toán thời gian làm việc. Sau đó, họ có thể sử dụng bù thời gian, như để nghỉ phép dài hơn.
Theo South China Morning Post, các ngành công nghệ thông tin, nhà sản xuất hay công ty xây dựng - vốn phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực và cần đuổi kịp tiến độ dự án - đã kêu gọi chính phủ linh hoạt thời gian làm việc.
Ông Lee Jung Min - giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul - là một trong những người nhìn thấy mặt tích cực của đề xuất này. Ông cho rằng đề xuất gần đây cho phép doanh nghiệp và người lao động sử dụng thời gian làm ngoài giờ linh hoạt hơn trong vòng 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm, tùy theo thỏa thuận giữa 2 bên. Các công ty không thể bắt ép nếu người lao động không đồng ý.
“Đề xuất gần đây nhằm tăng tính linh hoạt. Có nhiều người lao động cũng như công ty mong muốn lịch làm việc thoải mái hơn. Hiện tại, con số tối đa là 52 giờ/tuần. Hệ thống này có phần cứng nhắc”, vị giáo sư nhận định với Zing.
“Do đó, đề xuất chính sách mới không nhằm mục đích tăng giờ làm việc. Thậm chí, giới chức còn mong đợi số giờ làm việc có thể giảm xuống”, ông nói thêm.
Theo ông Lee, nhiều công ty khởi nghiệp, đặc biệt là công ty trong ngành công nghệ thông tin, sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới. Giáo sư từ Đại học Quốc gia Seoul cũng cho rằng đề xuất mới chú ý tới sức khỏe người lao động, khi yêu cầu thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 11 giờ giữa các ca làm việc.
Trước luồng ý kiến đề xuất mới trái ngược với nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, ông Lee cho rằng vấn đề tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc rất phức tạp, không chỉ vì mỗi áp lực công việc.
“Giờ làm việc linh hoạt và nhiều lựa chọn hơn cho người lao động sẽ hỗ trợ mọi người cân bằng công việc và gia đình”, ông chia sẻ.
Văn hóa “nghiện công việc”
Tuy nhiên, mối lo ngại về tình trạng làm việc quá sức vẫn đặc biệt gay gắt ở Hàn Quốc - quốc gia có nền văn hóa “nghiện công việc”.
Trung bình người Hàn Quốc làm việc 1.915 giờ/năm, cao thứ 5 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Để so sánh, người Mỹ làm việc 1.791 giờ/năm, trong khi mức trung bình ở Pháp là 1.490 giờ và ở Đức là 1.349 giờ, theo dữ liệu của OECD.
Tại Hàn Quốc, người lao động phải làm việc với nền văn hóa khắc nghiệt, tình trạng làm thêm giờ phổ biến ở hầu hết công ty. Họ phải tham gia các buổi liên hoan, ăn nhậu sau giờ làm và cảm thấy không thể đi về trước sếp, bất kể đã hoàn thành công việc hay chưa.
Mặc dù người lao động Hàn Quốc được hưởng 15 ngày nghỉ phép/năm, theo báo cáo, trung bình họ chỉ sử dụng khoảng 10 ngày.
Khảo sát gần đây cho thấy 75% số người được hỏi tin rằng công ty họ sẽ không cho phép nghỉ dài ngày để đổi lấy số giờ làm việc nhiều hơn. Điều này phản ánh xu hướng mất niềm tin trên diện rộng với dự luật cải cách lao động.
Lý giải tình trạng này, bà Ellen Ernst Kossek - giáo sư tại Trường Quản lý Krannert, Đại học Purdue (Mỹ) - nhận định: “Hàn Quốc đã rất thành công trong việc phát triển vị thế và tác động của nước này tới nền kinh tế thế giới. (Do đó), giới lãnh đạo nước này coi thời gian làm việc dài hơn là phương tiện tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như hiện tại”.
“Mặc dù phương án này có thể mang lại tác động tích cực trong ngắn hạn, về lâu dài, nó sẽ gây tổn hại tới sức sáng tạo và đổi mới, dẫn đến tình trạng kiệt sức. Đây không phải kế hoạch tăng trưởng kinh tế dựa trên lực lượng lao động bền vững”, bà nói với Zing.
Tình trạng “nghiện công việc” cũng kéo theo mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng, vấn đề về giấc ngủ và tác động tới cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Năm 2016, thời gian ngủ trung bình ở Hàn Quốc là 7 giờ 41 phút, ngắn hơn 41 phút so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 quốc gia thành viên.
Giáo sư Turner cho rằng “thiếu ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài”. “Người lao động ở mọi giai đoạn, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể không còn coi các công ty lớn là nhà tuyển dụng lý tưởng”, bà nói.
Đáng chú ý, Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước phát triển thuộc OECD. Quốc gia này cũng có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,78 trẻ em/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tức có nhiều ca tử vong hơn ca sinh. Theo Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, mỗi năm có khoảng 500 người chết vì làm việc quá sức.
Các chuyên gia y tế cảnh báo làm việc nhiều sau kỳ nghỉ dài sẽ có hại cho sức khỏe. Theo South China Morning Post, tiến sĩ Ryu Hyun-cheol - Giám đốc Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Hàn Quốc - cho biết: “Nhận định làm việc chăm chỉ trong vài tháng và nghỉ phép dài ngày giúp phục hồi sức khỏe là hoàn toàn vô nghĩa”.
Đề xuất mới cũng có thể ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện tại ở quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Bà Turner cho rằng “động thái tăng giờ làm việc có thể ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh, khi người lao động cảm thấy họ phải lựa chọn đánh đổi giữa sự nghiệp và gia đình”.
“Thế hệ trẻ Hàn Quốc sẽ cảm thấy xã hội hoặc doanh nghiệp không coi trọng hoặc ủng hộ việc sinh con. Về lâu dài, Hàn Quốc có nguy cơ không đủ số lao động thay thế để hỗ trợ các chương trình dịch vụ xã hội hưu trí. Sau cùng, nước này có thể phải bán tã lót người già nhiều hơn tã lót trẻ sơ sinh, giống một số quốc gia khác”, bà nói.