Báo cáo kinh doanh quý III của khối doanh nghiệp niêm yết chứng kiến những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng các công ty lãi đậm nhất, nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn đứng vững trong khi các ngành sản xuất giảm mạnh.
Thống kê trên các sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM cho thấy bức tranh kinh doanh chung của nhóm dẫn đầu vẫn có tăng trưởng so với mức nền thấp của cùng kỳ, nhưng đã có dấu hiệu ảm đạm hơn so với quý liền trước.
Vinhomes dẫn đầu
Doanh nghiệp bất động sản đầu ngành Vinhomes đã quay trở lại "ngôi vương" lãi trước thuế lớn nhất quý III với con số 18.949 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục toàn thị trường trong một quý, tăng 37% so với cùng kỳ và cao gấp 23 lần so với quý II.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 30.719 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Dù vậy, tính chung 9 tháng, doanh nghiệp phát triển bất động sản chỉ ghi nhận gần 31.200 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và lãi sau thuế 20.048 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 26% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả ấn tượng của Vinhomes cũng giúp công ty mẹ Vingroup hưởng lợi. Tập đoàn đa ngành này bất ngờ có lãi trước thuế kỷ lục 5.252 tỷ đồng, tăng trưởng 75% chủ yếu nhờ nguồn thu từ tài chính và chuyển nhượng công ty con.
Đáng chú ý là lợi nhuận của Vinhomes tỏ ra rất vượt trội khi bằng xấp xỉ tổng lợi nhuận của 3 ngân hàng đứng tiếp theo là Vietcombank, Techcombank, BIDV dù các đơn vị này cũng có tăng trưởng cao.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng với mức lãi trước thuế 7.566 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này được hỗ trợ từ nguồn thu nhập lãi thuần tăng mạnh để bù đắp cho sụt giảm từ lãi dịch vụ và kinh doanh chứng khoán.
Xếp ngay sau là Techcombank với mức lợi nhuận 6.715 tỷ đồng trước thuế, tăng 21% so với cùng kỳ. Các nhà băng khác là BIDV, MBBank, VPBank, ACB, VietinBank đều có mức tăng trưởng hơn hai con số.
Đại diện duy nhất ngoài nhóm Vingroup và ngân hàng xuất hiện trong top 10 quý này là PV Gas. Đại gia dầu khí vẫn có kết quả khả quan với lợi nhuận tăng 25% lên hơn 3.850 tỷ đồng, nhưng so với mức đỉnh của quý II liền trước thì đã sụt giảm 40%.
Tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm 10 công ty trên đạt gần 68.500 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, trong đó tất cả công ty này đều ghi nhận mức tăng trưởng hơn hai con số.
Công ty sản xuất lao đao
Trong khi kết quả của nhóm Vingroup đột biến và nhóm ngân hàng giữ được tín hiệu tích cực thì nhiều ngành khác lại tỏ ra hụt hơi. Đáng kể nhất là Hòa Phát và Lọc hóa dầu Bình Sơn bị đánh bật khỏi top 10.
Tập đoàn Hòa Phát trong các quý trước đó vẫn nằm trong nhóm kinh doanh hiệu quả nhất, thậm chí là có thời điểm dẫn đầu khối niêm yết. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại bất ngờ quay sang báo lỗ trước thuế kỷ lục 1.300 tỷ đồng trong kỳ kinh doanh vừa qua, lần thua lỗ trở lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay.
Lãnh đạo tập đoàn lý giải kết quả trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Hòa Phát và Lọc hóa dầu Bình Sơn rời khỏi top 10 lãi lớn nhất. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều doanh nghiệp thép khác trong tình trạng tương tự trong bối cảnh ngành thoái trào. Các công ty Tôn Hoa Sen, Pomina, Vnsteel, Nam Kim hay SMC đều lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Trường hợp của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thậm chí còn là "quán quân" lợi nhuận trong quý II với con số kỷ lục gần 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả đã lao dốc trong quý III khi chỉ còn 514 tỷ đồng và rời xa danh sách trên.
Doanh nghiệp cho rằng tác động của xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục giảm, giá bán thành phẩm cũng được điều chỉnh giảm, cũng như chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm thu hẹp đã dẫn đến lợi nhuận khiêm tốn.
Ông lớn ngành sữa Vinamilk vẫn còn xuất hiện trong nhóm 20 doanh nghiệp lãi tốt nhất với con số 2.860 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Theo đó, Vinamilk là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm này có kết quả kinh doanh đi xuống so với cùng kỳ.
Các công ty sản xuất và bán lẻ FMCG khác cũng có một quý kinh doanh khá tiêu cực. Như lợi nhuận của Kido Group giảm gần 80% về 30 tỷ đồng hay Masan Group giảm phân nửa còn 909 tỷ đồng.
Ngoài ra còn phải kể đến sự suy giảm lợi nhuận của nhiều lĩnh vực khác như chăn nuôi, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán... Ngược lại thị trường có sự hồi phục đáng kể của các ngành vận tải hàng không, taxi, công nghệ hay phân bón.
Tổng lợi nhuận nhóm 20 công ty tốt nhất vào khoảng 93.500 tỷ đồng (trong đó chỉ duy nhất Vinamilk giảm so với cùng kỳ). Tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm này lũy kế từ đầu năm đạt hơn 245.000 tỷ đồng.