Theo dữ liệu Niên giám Thống kê, trong giai đoạn 2012 - 2021, thu nhập bình quân khu vực thành thị và nông thôn đã thay đổi đáng kể. Cụ thể, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 2,989 triệu đồng/người/tháng năm 2002 tăng lên đạt 5,388 triệu đồng/người/tháng năm 2021. Như vậy, thu nhập bình quân khu vực thành thị đã gấp 1,8 lần trong giai đoạn 2012 – 2021.
Đồng thời, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng năm 2002 tăng lên đạt 3,486 triệu đồng/người/tháng năm 2021. Như vậy, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đã gấp 2,3 lần trong giai đoạn 2012 – 2021.
Trên thực tế, mặc dù thu nhập thành thị vẫn cao hơn khu vực nông thôn nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người qua các năm ở giai đoạn 2012-2021 của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Cụ thể, tăng trưởng thu nhập khu vực thành thị đạt khoảng 13,3%/năm và khu vực nông thôn đạt khoảng 19,1%/năm.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng trong cả giai đoạn 2002-2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân khu vực thành thị giảm trong 2 năm 2020 và 2021.
Xét riêng trong năm 2021, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt khoảng 4,205 triệu đồng, giảm khoảng 1,1% so với năm 2020. Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 đạt 9,184 triệu đồng cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,152 triệu đồng.
Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 theo giá hiện hành so với năm trước của một số vùng trên cả nước đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng giảm 1,1%; vùng Đông Nam Bộ giảm 3,8%; vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 4,2%. Ở chiều ngược lại, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 3,4%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 2,6%; vùng Tây Nguyên tăng 1,4%.
Tuy nhiên, thu nhập giữa các vùng, các nhóm thu nhập có sự chênh lệch. Vùng Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất (đạt 5,79 triệu đồng), gấp 2,04 lần thu nhập bình quân đầu người thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,84 triệu đồng). Thu nhập bình quân đầu người một tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 9,2 triệu đồng, gấp 8,8 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất (1,15 triệu đồng).
Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2021 là 0,374, thấp hơn GINI giai đoạn 2014-2018 ở mức 0,4 và cao hơn mức 0,373 của năm 2020 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình.
Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn là 0,374 cao hơn mức 0,335 ở khu vực thành thị. Hai vùng có tỷ lệ nghèo cao là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao tương ứng là 0,428 và 0,418, vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,322).
Chi tiêu theo giá hiện hành bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2021 đạt 2,89 triệu đồng, tăng 13,5% so với năm 2018, trong đó chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở khu vực nông thôn đạt 2,4 triệu đồng, tăng15,2%; khu vực thành thị đạt 3,8 triệu đồng, tăng gần 8%.
Thực tế, thu nhập ở cả thành thị và nông thôn đều có xu hướng tăng và hệ số chênh lệch giữa hai khu vực này đang có xu hướng giảm xuống. Năm 2012, thu nhập khu vực thành thị gấp 2 lần thu nhập khu vực nông thôn. Đến năm 2021, thu nhập khu vực thành thị chỉ còn gấp 1,5 lần thu nhập khu vực nông thôn. Như vậy, hệ số chênh lệch thu nhập giữa hai khu vực đã giảm đi trong giai đoạn 2012-2021.
Tuy nhiên, mức chênh lệch tuyệt đối về thu nhập bình quân đầu người/tháng giữa hai khu vực đã tăng lên theo thời gian. Cụ thể, năm 2012, chênh lệch tuyệt đối về thu nhập bình quân giữa khu vực thành thị và nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, thì đến năm 2021 đã lên đến 1,902 triệu đồng/người/tháng.