Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, liên tiếp trong những tháng gần đây, nhập khẩu phân bón ghi nhận con số tăng. Cụ thể, trong tháng 10/2022 nhập khẩu phân bón tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 9/2022. Mức tăng tương ứng 26,2%, 27,9% và 1,4%, đạt 321.967 tấn, tương đương 154,24 triệu USD, giá trung bình 479 USD/tấn.
Con số này so với tháng 10/2021 thì giảm 14,3% về lượng, nhưng tăng 4,4% kim ngạch và tăng 21,8% về giá.
Trong tháng 10, nhập khẩu phân bón lớn nhất vẫn đến từ thị trường Trung Quốc với con số tăng 27,8% về lượng, tăng 27% kim ngạch, nhưng giảm nhẹ 0,6% về giá so với tháng 9/2022, đạt 192.800 tấn, tương đương 84,09 triệu USD, giá 436,2 USD/tấn.
So với tháng 10/2021, nhập khẩu phân bón từ thị trường này cũng tăng mạnh 35% về lượng, tăng 52,2% kim ngạch và tăng 12,8% về giá.
Đứng thứ hai là nhập khẩu từ thị trường Nga. Trong tháng 10, nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng 51,5% về lượng và tăng 39,6% kim ngạch so với tháng 9/2022, đạt 38.391 tấn, tương đương trên 32,52 triệu USD. So với tháng 10/2021 tăng 34,7% về lượng, tăng 147,9% kim ngạch.
Tính chung trong 10 tháng năm 2022 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,77 triệu tấn, trị giá trên 1,3 tỷ USD, giá trung bình đạt 469,5 USD/tấn, giảm 27,2% về khối lượng, nhưng tăng 13,4% về kim ngạch và tăng 55,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 50,5% trong tổng lượng và chiếm 45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 1,4 triệu tấn, tương đương 585,33 triệu USD, giá trung bình 418 USD/tấn, giảm 17,5% về lượng, nhưng tăng 19,5% về kim ngạch và tăng mạnh 44,8% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nga tiếp tục đứng thứ hai, chiếm 7,8% trong tổng lượng và chiếm 12% trong tổng kim ngạch, với 216.224 tấn, tương đương 155,46 triệu USD, giá trung bình 719 USD/tấn, giảm 34,7% về lượng, nhưng tăng 36,9% về kim ngạch và tăng mạnh 109,7% về giá so với 10 tháng đầu năm 2021.
Thị trường Đông Nam Á đứng thứ ba, đạt 233.207 tấn, tương đương 144,4 triệu USD, giảm mạnh 45,7% về lượng, giảm 4,5% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 8,4% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 2,06 triệu tấn, tương đương 842,78 triệu USD, giảm 17,7% về lượng nhưng tăng 17,9% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 74,3% trong tổng lượng và chiếm 64,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 440.874 tấn, tương đương 139 triệu USD, giảm 15,6% về lượng nhưng tăng 17,3% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 15,9% trong tổng lượng và chiếm 10,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong 10 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu phân bón từ hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu phân bón chạm ngưỡng 1 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, 10 tháng đầu năm Việt Nam cũng ghi nhận con số xuất khẩu phân bón tăng cao kỷ lục với khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 973 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu phân bón đã tăng tăng 45,5% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch.
Ông Phùng Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, xuất khẩu phân bón của Việt Nam năm 2022 có thể vượt con số 1 tỷ USD.
Ông Phùng Hà cũng đưa ra con số, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,16 triệu tấn phân bón, trị giá 341 triệu USD, sau hơn 6 năm Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm. Lần gần nhất, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón là vào năm 2014 (đạt 1,06 triệu tấn). Năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020.
Việc xuất khẩu phân bón thuận lợi đã khiến hàng loạt cái tên trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, một số đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền… ghi nhận lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.