Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires' Index), phần lớn các tỷ phú hàng đầu đều mất đi một phần tài sản do thị trường chứng khoán Mỹ có sự sụt giảm mạnh từ đầu năm nay. Trong danh sách 10 người giàu nhất thế giới, tới 7 người liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Với các tỷ phú này, cổ phần trong các công ty do họ thành lập đều đóng góp một tỷ lệ lớn trong giá trị tài sản ròng. Do đó, khi thị trường chứng khoán có diễn biến tiêu cực, tài sản của nhiều tỷ phú cũng chịu tác động tương tự.
Insider nhận định thị trường chứng khoán đã trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, với chỉ số S&P 500 giảm hơn 20% giá trị.
Điều đó có nghĩa là những tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos, Bernard Arnault (CEO LVMH) hay Bill Gates đang phải trải qua giai đoạn rất khó khăn. Phần lớn cá nhân trong bảng xếp hạng 500 tỷ phú thế giới đều có giá trị tài sản ròng thấp hơn nhiều so hồi đầu năm.
Trong đó, Elon Musk (CEO Tesla) và Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) là 2 tỷ phú cảm nhận sâu sắc nhất điều này, với tổng thiệt hại lên tới 120 tỷ USD . Xét rộng ra nhóm 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh, con số này đã lên tới 250 tỷ USD , tương đương 1,2% nền kinh tế Mỹ.
Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm 43% trong năm nay, do kinh tế bất ổn và việc Elon Musk mua lại Twitter khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Trong khi đó, cổ phiếu của Amazon cũng giảm hơn 35% kể từ đầu năm 2022.
Tuy nhiên, khối tài sản của 2 tỷ phú người Ấn Độ trong danh sách là Gautam Adani và Mukesh Ambani lại có mức tăng tốt, với lần lượt 22,1 tỷ USD và 3,05 tỷ USD . Trong đó, ông Adani điều hành các cảng và mỏ than lớn nhất của Ấn Độ, hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao giữa bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và cuộc xung đột địa chính trị.
Về phần ông Ambani, công ty Reliance Industries cũng sở hữu khu liên hợp lọc dầu lớn nhất thế giới, một mặt hàng có mức giá tăng vọt kể từ khi Nga và Ukraine xảy ra xung đột.