Chiều tối 10/10, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết tính đến 17h hôm nay, trên địa bàn thành phố có 121 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định lý do chính của 121 cửa hàng hết xăng do đã đặt xăng nhưng phía đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng.
Các cửa hàng hết xăng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức và 17/21 quận, huyện. Trong đó, nhiều nhất là TP Thủ Đức (21 cửa hàng), quận 12 (17 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), Củ Chi (14 cửa hàng), Bình Chánh (8 cửa hàng)...
Hiện, có 9 cửa hàng thông báo đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Trong số đó có 3 cửa hàng ở quận Bình Thạnh và 4 cửa hàng ở TP Thủ Đức.
Cục QLTT TP.HCM cho biết tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn tương đối ổn định, tuy nhiên tình hình thiếu nguồn xăng dẫn đến phát sinh một số cửa hàng không còn xăng để bán. Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.
TP.HCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Ngày 10/10, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải và Công an TP xem xét có phương án tạm thời hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm, tức khung giờ 9-16h và 18-22h, trong giai đoạn 11/10-1/11.
Sau thời gian này, Sở Công Thương sẽ đánh giá tình hình và đề xuất thời hạn cho phép lưu thông phù hợp trong trường hợp cần thiết.
Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp