Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2023 đã có những tín hiệu khả quan với một số chỉ tiêu đã có sự khởi sắc như tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3 lần...
Tuy vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã thấp hơn nhiều số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2022. Doanh số bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng kỳ.
Sản xuất thép thành phẩm 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,285 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nhập khẩu, tháng 1/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 831 triệu tấn với kim ngạch đạt 731 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 2,86% về trị giá so với tháng trước, giảm 9,15% về lượng và giảm 21,43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 592 ngàn tấn với trị giá hơn 525 triệu USD, giảm 37,39% về lượng và 35,15% về giá trị so với tháng 12/2022. Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tỉ lệ 35,64%.
Với xuất khẩu, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu 672 ngàn tấn thép, giảm 18,24% so với tháng 12/2022 và giảm 17,53% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt gần 457 triệu USD giảm 21,75% so với tháng trước và giảm 49,02% so với cùng kỳ năm 2022.
VSA đánh giá, thị trường bất động sản trì trệ cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy, trong năm 2022 các yếu tố không thuận lợi đã khiến sản lượng thép thô toàn cầu giảm 4,3%, xuống còn 1,83 tỷ tấn. Hầu hết các hoạt động sản xuất bị đình trệ khó có thể quay trở lại vào năm 2023. Vì vậy, cán cân cung - cầu hiện tại sẽ không thay đổi nhiều và có thể tiếp tục kéo dài sang nửa cuối năm.
Tại Trung Quốc, quốc gia này đã triển khai một loạt chính sách kích thích, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, như một phần trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế vốn đã bị hạn chế bởi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19 trong phần lớn năm 2022.
Việc bắt đầu xây dựng mới nhà ở, yếu tố thúc đẩy nhu cầu thép quan trọng nhất ở Trung Quốc, có thể vẫn có xu hướng giảm cho đến hết năm 2023. Mặc dù hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã quay trở lại trong tháng 1 sau khi nới lỏng chính sách covid, nhu cầu thép dự kiến vẫn không cải thiện lớn.
Một số người tham gia thị trường cho biết, với nhu cầu thép yếu nhưng nguồn cung dồi dào, giá thép khó có thể tăng đáng kể trong năm nay.
Các mục tiêu và kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc để chống ô nhiễm cũng yêu cầu ngành thép phải cắt giảm sản lượng hàng năm. Việc cắt giảm như vậy có xu hướng cân bằng tình hình cung cầu.
Nhưng năm nay, tình hình được dự báo sẽ khác. Các nguồn tin cho biết bất kỳ sự cắt giảm sản lượng thép nào do chính phủ bắt buộc sẽ không nghiêm ngặt trong năm 2023 để tránh gây áp lực cho tăng trưởng kinh tế.