Thông tin tại cuộc họp trực tuyến liên quan đến tình hình triển khai thực hiện các dự án dự kiến khởi công trong năm 2023 do Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết năm 2023, ngành giao thông vận tải dự kiến khởi công 27 dự án, bao gồm 5 dự án quan trọng quốc gia; 1 dự án nhóm A là cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng và 21 dự án nhóm B, C.
Hai dự án chậm khởi công quý 1
Cụ thể, trong quý 1/2023, kế hoạch khởi công 8 dự án. Tính đến ngày 9/3, có 4/8 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục để khởi công, gồm: dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam.
Hiện còn lại 4 dự án chưa khởi công. Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do Ban Quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công gói XL03 dự kiến hoàn thành và khởi công cuối tháng 3/2023.
Dự án cải tạo trụ sở Bộ Giao thông vận tải tại 80 Trần Hưng Đạo dự kiến kế hoạch khởi công tháng 3/2023, đáp ứng kế hoạch.
Hai dự án dự kiến khởi công quý 1 nhưng chậm so với kế hoạch là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc do Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư.
Đáng chú ý, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết hai dự án bị chậm khởi công so với kế hoạch là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư.
Đối với dự án này, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán 1/1 gói thầu xây lắp ngày 13/1. Kế hoạch khởi công chậm do công tác phê duyệt dự toán của chủ đầu tư chậm so với dự kiến ban đầu 20 ngày. Chủ đầu tư dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 16/4 và khởi công dự án cuối tháng 4.
Tiếp đến là dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc do Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư.
Dự án được cơ quan chuyên môn hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán 2/2 gói thầu xây lắp. Kế hoạch ban đầu dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu ngày 20/2, hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công trong tháng 3.
Tuy nhiên, do công tác phê duyệt dự toán của chủ đầu tư chậm khi ngày 28/02 mới phê duyệt dự toán gói thầu XL01 nên tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch.
Chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XL01 ngày 6/3, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 10/4 và khởi công dự án trong tháng 4.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, theo kế hoạch, trong quý 2, có 8 dự án sẽ được khởi công. Trong đó, 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30/6, gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Quý 3 sẽ có 6 dự án được khởi công, gồm: dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ giai đoạn 1 khu vực phía Nam; dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ; Quốc lộ 14B qua TP. Đà Nẵng.
Còn quý 4 sẽ khởi công 5 dự án, gồm: dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.
Vì sao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đối mặt với nguy cơ chậm khởi công?
Đặc biệt quan tâm đến 5 dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng bày tỏ yên tâm khi 4 dự án: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô đều đang được các địa phương liên quan rốt ráo thực hiện thủ tục và cam kết đáp ứng tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng, đảm bảo điều kiện khởi công trước ngày 30/6 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai khó hoàn thành trước ngày 30/6 theo yêu cầu, do địa phương đảm nhận công tác đến bù giải phóng mặt bằng cho cả dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 với khoảng 2.000 hộ dân cần di dời
Tuy nhiên, về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai, cho biết việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng tại địa phương khó hoàn thành trước ngày 30/6 theo yêu cầu.
Nguyên nhân do khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn khi địa phương đảm nhận công tác đến bù giải phóng mặt bằng cho cả dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 với khoảng 2.000 hộ dân cần di dời, công tác xây dựng khu tái định cư gặp nhiều khó khăn.
Được biết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 3 dài 19,5 km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.
Cùng với đó, hiện tỉnh Đồng Nai khi cùng lúc được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện cùng lúc nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông lớn như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với khối lượng công việc rất lớn đều là các công trình trọng điểm quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền các dự án trọng điểm quốc gia cần thực hiện nghiệm chỉ đạo của Thủ tướng, không chia nhỏ gói thầu; cần bám vào quy chế phối hợp để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, công tác lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo chặt chẽ, công khai và rộng rãi như Bộ Giao thông vận tải đã triển khai. Nhà thầu được lựa chọn phải chuyên nghiệp, có uy tín, đủ năng lực, nhân lực, thiết bị, tránh tình trạng giao thầu cho một số doanh nghiệp xây lắp thông thường, chưa bao giờ thi công đường cao tốc, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng dự án.
Nhấn mạnh việc các dự án giao thông được hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, các địa phương sẽ được hưởng lợi trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh, thành cùng xây dựng cộng đồng trách nhiệm.
Cùng với đó, các ban quản lý dự án, thuộc Bộ Giao thông vận tải phải chủ động tương tác, trao đổi cụ thể với từng địa phương, đẩy nhanh công tác thẩm định; không ngồi chờ hồ sơ trình đến nơi mới phản hồi, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao vốn đầu tư công kỷ lục trên 94.000 tỷ đồng và triển khai dồn dập nhiều dự án quan trọng quốc gia, ngành giao thông vận tải tiếp tục được đặt kỳ vọng rất lớn song, đi kèm với đó cũng là áp lực và thách thức rất lớn. Bình quân mỗi tháng, Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 2, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 10.737 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch giải ngân tháng và đạt 11,4% kế hoạch năm, cao gấp gần 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái.