Theo một báo cáo mới của ngân hàng Bank of America (BofA), thị trường chứng khoán Mỹ đang phát đi những tín hiệu trái chiều trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư tiếp tục đi xuống, nhưng điều được quan tâm nhất vẫn là những rủi ro về kinh tế.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong bối cảnh xuất hiện một loạt tin xấu và tâm lý nhà đầu tư ở mức đáy - Ảnh: Getty Images
Trong báo cáo này, nhà phân tích Michael Hartnett của BofA nhận định những tín hiệu trái chiều này đồng nghĩa rằng một giai đoạn thị trường giá lên (bull market) sẽ không xảy ra nếu thiếu đi 3 chất xúc tác: lạm phát đạt đỉnh, lãi suất tăng lên mức đỉnh và động thái xoay chiều chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc Fed tạm dừng hoặc cắt giảm chu kỳ tăng lãi suất rất khó xảy ra nếu không xảy ra suy thoái nghiêm trọng hoặc một sự kiện lớn về tín dụng.
Do vậy, ông Hartnett khuyến nghị các nhà đầu tư chứng khoán nên chuẩn bị tinh thần "mua ngay" bởi vì đây sẽ là lần duy nhất thị trường chứng kiến sự bi quan ở mức độ như thế này kể từ thời khủng hoảng tài chính 2008.
Tâm lý bi quan của nhà đầu tư có thể được thấy rõ ở Chỉ số Bull & Bear của BofA - một chỉ số cung cấp tín hiệu tâm lý thị trường - khi duy trì ở mức 0 trong nhiều tuần qua. Các chỉ số về tâm lý thị trường khác như Chỉ số Sợ hãi & Tham lam của CNN và khảo sát Tâm lý Nhà đầu tư của AAII cũng giảm mạnh.
“Các chỉ số chứng khoán đã giảm mạnh trong bối cảnh xuất hiện một loạt tin xấu và tâm lý nhà đầu tư ở mức đáy”, ông Hartnett nói, đề cập tới sự sụt giảm tới 20% của chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 đầu năm nay.
Chứng khoán Mỹ có thể đảo chiều và tăng giá trong quý 3, miễn là lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, không xảy ra một thảm họa tài chính nào tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers và Fed dừng việc tăng lãi suất vào Giáng sinh năm nay.
Michael Hartnett, Bank of America
Tuy nhiên, theo ông Hartnett, với các nhà đầu tư, tâm lý bi quan ở mức đáy chưa phải là yếu tố rõ ràng nhất báo hiệu một giai đoạn phục hồi hoàn toàn của thị trường khi mà những rủi ro lớn về kinh tế vẫn còn ở phía trước. Các rủi ro này bao gồm lạm phát vẫn ở mức “nóng”, lãi suất tăng và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, trong khi tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chịu áp lực, dữ liệu dòng tiền thực không hoàn toàn hỗ trợ những cảm xúc đó.
“Mọi người đều nhìn nhận rằng thị trường đang ở giai đoạn giá giảm nhưng không ai bán ra”, ông Hartnett nói, nhấn mạnh rằng cứ 100 USD chảy vào thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm 2021 tương ứng với chỉ 3 USD chảy ra.
Theo vị chuyên gia của BofA, vì những lý do trên, các nhà đầu tư nên chấp nhận rủi ro và bán cổ phiếu khi S&P 500 tăng lên 4.200 – mức cao hơn khoảng 6% so với hiện tại.
Trước đó, cuộc khảo sát với nhà quản lý quỹ gần nhất của BofA cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư chuyên nghiệp với chứng khoán đang ở mức bi quan nhất kể từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers - sự kiện châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cùng với đó, mức tiền mặt của các nhà quản lý quỹ hiện ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2001 - thời điểm ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11/9. Ngoài ra, kỳ vọng về tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại và việc phân bổ danh mục vào cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
"Chứng khoán Mỹ có thể đảo chiều và tăng giá trong quý 3, miễn là lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, không xảy ra một thảm họa tài chính nào tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers và Fed dừng việc tăng lãi suất vào Giáng sinh năm nay", ông Hartnett nhấn mạnh trong báo cáo của BofA.