Chính phủ Trung Quốc đã chỉ định Trùng Khánh là một trung tâm trọng điểm ở miền tây Trung Quốc, biến nó thành đầu tàu phát triển kinh tế trong vùng nội địa rộng lớn. Do đó, Trùng Khánh đã được hưởng lợi từ các chính sách của Bắc Kinh như chiến lược Tây tiến, Khu vực mới Lương Giang Trùng Khánh, Vành đai kinh tế sông Dương Tử, Sáng kiến Vành đai và Con đường và Chiến lược phát triển cụm thành phố Thành Đô-Trùng Khánh, cũng như việc thành lập một Khu Thương mại Tự do Thí điểm Trùng Khánh.
Giao thông không dành cho người “mù đường”
Có người từng nói: “Đến Trùng Khánh thì sẽ chẳng tìm được đường về nhà đâu, nhất là khi bạn là người nước ngoài.” Khu đô thị có một không hai này toạ lạc trên những ngọn đồi dốc khiến việc di chuyển trở nên khó khăn và độc đáo.
Việc xây dựng bản đồ 3D tại Trùng Khánh là bất khả thi bởi địa hình đồi núi khiến hệ thống nhà cửa và đường phố được bố trí chằng chịt từ thấp đến cao. Không có shipper nào có thể sử dụng ứng dụng tìm đường ở thành phố này. Ở đây, Google Maps trở nên vô dụng và mọi người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự nhớ cung đường mà mình cần đi.
Trùng Khánh có Thang cuốn Crown dài 112m và là thang cuốn dài thứ hai ở châu Á (thang cuốn dài nhất châu Á nằm ở Hàn Quốc). Với độ dốc lớn, hành trình đi thang cuốn Crown sẽ mất 2 phút 30 để đi từ dưới lên trên. Chiếc thang này cũng là một minh chứng cho cách mà Trùng Khánh thích nghi với cuộc sống trên núi.
Thành phố này cũng có những chuyến tàu đưa hành khách xuyên qua những toà nhà 19 tầng. Hành khách có thể trải nghiệm cảm giác đi qua một đường hầm xuyên qua một khu dân cư trong toà nhà cao tầng. Người ta cũng có thể đi cáp treo để di chuyển giữa hai bờ sông Dương Tử chỉ trong 6 phút.
Tầng 10 hay tầng 1?
Tương tự như giao thông, cấu trúc nhà cửa và các toà nhà cao tầng ở Trùng Khánh cũng vô cùng phức tạp và dễ gây hoang mang cho người chưa có kinh nghiệm.
“Có thể thang máy sẽ đưa bạn lên tầng 10. Nhưng khi bạn bước ra ngoài, bạn sẽ nhận ra là mình vẫn đang đứng trên đường lớn đấy. Sau đó, bạn bước vào một toà nhà khác và bấm tầng 8. Ngạc nhiên chưa, đột nhiên cái thang máy đi xuống. Nhà để xe nằm ở tầng 5 hay tầng 6 chỉ là chuyện bình thường thôi,” một người sống ở Trùng Khánh chia sẻ.
Kem cũng phải ăn với ớt
Ẩm thực Tứ Xuyên nổi tiếng với vị cay vì các món ăn được nêm theo cách truyền thống với tiêu và ớt Tứ Xuyên. Các loại nguyên liệu này cực kỳ phổ biến trong các nhà bếp của Trùng Khánh.
Đồ ăn được phục vụ ở Trung Khánh cay đến nỗi những du khách muốn đến đây cần phải có sự chuẩn bị tâm lý và rèn luyện trong nhiều tháng từ trước chuyến đi. Điều này có thể được thực hiện bằng cách bắt đầu nêm vào thức ăn với một ít ớt đỏ thật cay và sau đó tăng lên thành ba quả ớt cho mỗi bữa ăn của mình.
Đặc sản địa phương nổi tiếng nhất là lẩu Trùng Khánh. Một chiếc nồi lẩu thường sẽ có hai ngăn được gọi là nồi lẩu uyên ương với một bên là nước dùng có vị thanh nhẹ và một bên còn lại có vị cay truyền thống được làm từ nước sốt dầu tiêu và ớt.
Thậm chí, Trùng Khánh còn ăn cả kem được phủ dầu ớt lên trên. Cũng có những vị kem đa dạng khác như rắc hạt tiêu Tứ Xuyên nguyên hạt lên cây kem mát lạnh.