Nội dung chính:
- Đánh giá tài sản đảm bảo, thời gian xử lý khoản vay và quy định về an toàn vốn là 3 trở ngại lớn khiến kiến nghị của HoREA không khả thi.
- Các ngân hàng nào có khẩu vị rủi ro thận trọng và có khả năng huy động vốn sẽ giành lợi thế, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Đằng sau những thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp hàng nghỉn tỷ đồng trong tháng qua là bóng dáng của hai “ông lớn” bất động sản.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất ngân hàng cho các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo tốt vay để trả nợ trái phiếu đến hạn.
“Theo tôi, đề xuất này rất khó trong thực tế” - ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group nhận định. Đồng thời, ông Long nêu ra 3 vấn đề lớn cần xem xét để đánh giá tính khả thi của loạt kiến nghị trên.
Thứ nhất, phần lớn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, thậm chí nhiều dự án mới ở giai đoạn đầu nên khó định giá chính xác trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay. Đồng thời, chi phí trong quá trình định giá cũng rất lớn.
Thứ hai, cần nhiều thời gian xử lý khoản vay để trả nợ trái phiếu, vì thế khó đáp ứng tính kịp thời khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn.
Thứ ba, quy định về đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quy định chặt chẽ về việc đảm bảo an toàn vốn. Trong Hội nghị tín dụng bất động sản đầu tháng 2/2023, NHNN đã nhấn mạnh các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn tín dụng để cho vay.
Ngoài ra, cho doanh nghiệp vay để đảo nợ cũng ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của khối ngân hàng.
“HoREA đưa ra các đề xuất từ góc độ doanh nghiệp bất động sản nhưng việc thực thi được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một điểm cần nhìn sâu hơn là chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng và khả năng huy động vốn trên thị trường” - ông Long nói thêm.
Hệ thống ngân hàng trong và ngoài nước đang gặp nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến trái phiếu. Ông Long đánh giá chỉ những ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao mới dám thực hiện những thương vụ đảo nợ trái phiếu.
“Ở Việt Nam, tôi không nghĩ có ngân hàng nào có khả năng thực hiện” - ông Long nhận định.
HoREA vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, HoREA đề xuất NHNN cho phép các ngân hàng thương mại đồng ý để doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn (có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất) được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.
Hiệp hội cũng đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương của Nghị quyết số 33 của Chính phủ.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu đang gặp khó khăn, các ngân hàng trong nước có xu hướng quản trị rủi ro một cách thận trọng. Ngân hàng nào có khẩu vị rủi ro thận trọng và có khả năng huy động vốn vào thời điểm này sẽ chiếm nhiều ưu thế.
Ngày 27/3, Ngân hàng VPBank vừa huy động được 1,5 tỷ USD thông qua việc bán 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Đây là một trong những tin tức tích cực dành cho thị trường tài chính.
Ông Long dự báo thị trường bất động sản sẽ không có sự thay đổi lớn trong ngắn hạn chỉ với một vài quyết định điều hành. “Chúng ta sẽ phải trông chờ vào dòng vốn ngoại” - ông Long nhận định.
Áp lực trái phiếu đáo hạn năm 2023 sẽ lớn hơn năm trước. Khi đó, mọi thành phần trong nền kinh tế từ cơ quan quản lý, nhà đầu tư đến tổ chức phát hành, công ty chứng khoán phải cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Bóng dáng “ông lớn” trên thị trường trái phiếu
Thống kê kết quả chào bán trái phiếu được công bố trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy chỉ trong nửa tháng gần đây, các doanh nghiệp đã huy động thành công gần 23.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp - tức trên 1 tỷ USD.
Ông Long nhận định các tổ chức phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trong thời gian qua thực chất chỉ là pháp nhân đứng tên, phía sau phải có những “ông lớn” mới huy động được khối lượng lớn như vậy.
“Thường mọi người nhìn vào sẽ không biết những doanh nghiệp này ở đâu, tên nghe rất lạ. Nhưng ai thạo về thị trường tài chính có thể tìm hiểu các doanh nghiệp này xuất phát từ đâu. Theo ý kiến cá nhân của tôi, một danh sách dài các doanh nghiệp như thế nhưng thực chất chỉ có 2 cái tên đứng sau và tất nhiên là những tập đoàn lớn.” - ông Long cho biết.
Thực chất phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đều đang gặp khó khăn trong việc giải quyết dư nợ trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây chủ yếu dành cho những nhà đầu tư tổ chức, thậm chí các giao dịch còn đang đàm phán nhưng có thể ứng trước tiền để tăng cường thanh khoản.
Ông Long cho rằng cần nhiều thời gian để thị trường trái phiếu phục hồi, trong đó quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư cá nhân.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Ngân hàng cho vay trả nợ trái phiếu: Nên hay không?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.