Tôi xách ba lô lên và đến Lý Sơn bất chợt vào một ngày hè đẹp trời tháng 5. Hòn đảo là vết tích còn lại của núi lửa được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm.
Cảnh sắc hoang sơ đan xen giữa núi và biển khiến nơi đây tựa viên ngọc đầy sức hút, là điểm sáng trên bản đồ du lịch.
Di chuyển đến vùng đất đảo yên bình
Bạn có thể đến Quảng Ngãi bằng tàu hỏa, máy bay hoặc xe khách tùy vào mức độ thuận tiện từ điểm xuất phát. Với những ai chọn đường hàng không, sân bay gần đảo Lý Sơn nhất là sân bay Chu Lai (Quảng Nam).
Dù lựa chọn phương tiện nào, bạn cũng cần đến cảng Sa Kỳ tại thành phố Quảng Ngãi để mua vé tàu đi Lý Sơn.
Tôi chọn chuyến tàu siêu tốc ra đảo sớm nhất trong ngày, xuất phát lúc 9h. Mức giá 178.000 đồng/vé, thời gian di chuyển chỉ khoảng 35 phút. Lưu ý, khi mua vé tàu, bạn cần xuất trình chứng minh thư.
Ngày tôi ra đảo tiết trời nắng đẹp, biển dịu êm song bản thân vẫn không khỏi bị say sóng. Dẫu có phần mất sức, mọi thứ hầu như tan biến khi chuyến tàu cập cảng Lý Sơn.
Cảnh quan gần gũi, làn nước xanh biếc bao trùm, giọng nói thân thiện cùng gương mặt rạng rỡ nụ cười của người dân địa phương khiến tôi cảm thấy xứng đáng sau nhiều giờ trải qua các chặng máy bay, xe, tàu để đến đây.
Ngoài tuyến tàu cao tốc Sa Kỳ - Lý Sơn, du khách cũng có thể chọn tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn xuất phát tại cảng Sông Hàn.
Lưu trú tại homestay gần gũi
Đến đảo, tôi cùng nhóm bạn khác được anh, chị ở homestay ra đón ngay cảng và đưa về nơi lưu trú bằng ôtô.
Trên quãng đường, chúng tôi được anh tài xế giới thiệu sơ qua về đời sống dân cư trên đảo, góc check-in đẹp, món ăn đặc trưng và những điều đáng thử khi vi vu tại đây. Cuộc trò chuyện ngắn song lại kích thích sự hứng thú và đam mê khám phá của tuổi trẻ.
Homestay tôi chọn nằm phía cuối đảo, cách cảng Lý Sơn 6 km. Bù lại, địa chỉ này gần thắng cảnh Hang Câu, hòn Mù Cu, hải đăng Lý Sơn...
Homestay mang lại cho tôi cảm giác gần gũi, dễ chịu bởi tiếng chuông gió trước cửa nhà, ban công thoáng mát, nhiều cây và hoa.
Giá thuê phòng đơn là 250.000 đồng/ngày. Nhìn chung, dịch vụ tương đối tiện nghi, Wi-Fi ổn định, có nhà vệ sinh riêng.
Điểm trừ là nguồn nước hơi yếu, song từng có dịp đến nhiều đảo, tôi dễ hiểu và thích nghi tốt với điều này.
Sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi, tôi bắt đầu cuộc vui của mình.
Tận hưởng những đặc sản mát lành
Đảo Lý Sơn thu hút tôi với nhiều đặc sản mang hương vị biển cả. Hầu hết món đều được nêm nếm vừa vị và thanh đạm.
Với bữa sáng, tôi thưởng thức bún chả cá, giá 30.000 đồng/tô. Phần ăn được phục vụ chỉn chu với đĩa rau sống xanh sạch kèm ớt, hành tím, bánh tráng.
Tôi thích nhất gỏi rong biển. Món ăn được làm từ rong biển xanh mướt, kết hợp rau thơm, đậu phộng, tỏi, hành phi, trộn nước mắm pha.
Một số gợi ý hấp dẫn khác cho bữa trưa là canh chua cá, trứng chiên nhum, cháo nhum, chả cá chiên, rau đậu ván trộn, ram chả cá, canh mực rau muống. Mức giá dao động 50.000-70.000 đồng/phần.
Do đến không đúng mùa, tôi chưa có cơ hội thưởng thức đặc sản dân dã ngồng tỏi xào nức tiếng nơi đây.
Bánh xèo chỉ 4.000 đồng/cái hay xu xoa với giá 10.000 đồng/ly là gợi ý không thể bỏ qua trong buổi xế chiều trên đảo.
Buổi tối, bạn có thể thưởng thức các loại hải sản đặc trưng ở huyện đảo Lý Sơn. Cua huỳnh đế, nhum nướng mỡ hành, ốc xà cừ, gỏi sứa... là những hương vị tôi ưa chuộng hơn cả.
Theo trải nghiệm cá nhân, mức giá ở các hàng quán trên đảo tương đối ổn định và hợp lý. Người dân luôn niềm nở, thân thiện và tư vấn nhiệt tình. Tôi hoàn toàn yên tâm trải nghiệm mà không lo tình trạng bị "chặt chém".
3 ngày 2 đêm check-in các điểm nổi tiếng trên đảo
Ngày 1:
Tìm đến con đường bích họa vào đầu giờ chiều, tôi cảm nhận rõ rệt nắng gió biển đảo khi đứng bên bờ kè chắn sóng.
Tuyến đường dài khoảng 1,5 km, bắt đầu từ chân cầu vượt đến cổng Tò Vò, tạo không gian sắc màu bên bờ biển. Những bức tranh sống động, không chỉ khắc họa cảnh đẹp và đời sống dân cư biển đảo mà còn mang thông điệp bảo vệ môi trường.
Từ cung đường này đi thêm đoạn ngắn là cổng Tò Vò. Thời điểm tôi đến đây (khoảng 16h) có khá nhiều đoàn du khách đang check-in.
Cổng Tò Vò dài khoảng 20 m, được hình thành từ trầm tích núi lửa cách đây hàng triệu năm. Xung quanh cổng là những bãi đá nham thạch đen bóng, ẩn hiện trong làn nước trong veo.
Để bảo vệ danh thắng, du khách lưu ý không đi lên cổng cùng lúc 5-7 người.
Ngày 2:
Tôi nhờ chủ homestay đặt vé ca nô ra đảo Bé từ đêm hôm trước. Giá vé khứ hồi là 120.000 đồng/người.
Ca nô xuất phát lúc 7h30, thời gian di chuyển đến đảo Bé chỉ khoảng 10 phút. Đặt chân đến đảo Bé, tôi thuê xe điện chở tham quan với giá 50.000 đồng/người.
Đảo Bé cũng có dịch vụ lặn ngắm san hô, giá 120.000 đồng/người. Người dân đưa tôi ra giữa biển bằng thuyền thúng và hướng dẫn, đồng hành trong suốt thời gian du khách khám phá thế giới dưới nước.
Trò chuyện với các cô, chú trên đảo, tôi hiểu thêm về đời sống của họ. Đảo Bé chỉ có khoảng 400 người sinh sống. Nước ngọt trên đảo khan hiếm, phải đưa từ đảo Lớn sang, được xem là thứ đắt đỏ và quý giá bậc nhất. Hầu hết du khách cảm thông với người làm dịch vụ du lịch ở đây bằng cách tiết kiệm, tráng ít nước ngọt nhất có thể. Mỗi thùng nước tắm có giá 20.000 đồng.
Hơn 10h30, tôi nhận được cuộc gọi từ cô bán vé ở Lý Sơn nhắc khung giờ ca nô đón khách. Tôi cùng nhiều du khách khác di chuyển về đảo Lớn lúc 11h.
Buổi chiều, tôi tiếp tục tham quan vách đá Hang Câu, check-in cột cờ Tổ quốc và ngắm toàn cảnh đảo từ núi Thới Lới.
Ngày 3:
Trước khi trở về đất liền, tôi dậy sớm đón bình minh ở hòn Mù Cu, sát vũng neo đậu tàu thuyền An Hải. Địa điểm này nổi bật với ngọn hải đăng đan xen gam màu đỏ, trắng, cao tầm 8 m.
Cách hòn Mù Cu chỉ 1 km, tôi ghé chiêm ngưỡng hải đăng Lý Sơn và di tích Nhà Pha Lý Sơn.
Thời gian còn lại, tôi dạo loanh quanh ngắm cánh đồng tỏi, len lỏi từng con đường nhỏ, dừng chân ở khu chợ để cảm nhận rõ hơn nhịp sống trên đảo.
14h30, tôi lên chuyến tàu siêu tốc Lý Sơn - Sa Kỳ, kết thúc hành trình khám phá "vương quốc tỏi" đáng nhớ.