Khi thông xe, các tuyến cao tốc này sẽ góp phần lớn trong rút ngắn di chuyển giữa các tỉnh.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài hơn 63km với 5 gói thầu xây lắp, tổng mức đầu tư 12.111 đồng. Dự án được khởi công tháng 9/2020.
Dự án do Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, ở giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Cao tốc có hai hầm xuyên núi, trong đó hầm Tam Điệp và hầm Thung Thi. Tuyến cao tốc cũng có 2 cầu tuyến chính Vĩnh An và cầu Núi Đọ, bề rộng cầu 23,5m.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ được thông xe trước ngày 30/4/2023. Điều đó có nghĩa, từ ngày 30/4, ô tô có thể lưu thông qua các nút giao Gia Miêu, Hà Lĩnh, Đông Xuân.
Sau khi thông xe tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ nối thẳng Ninh Bình đến địa phận thành phố Thanh Hóa (nút giao Đông Xuân). Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng của đất nước giúp kết nối các tỉnh miền Trung với Hà Nội và TP.HCM.
Việc hoàn thiện và thông xe tuyến cao tốc này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân từ Hà Nội vào Thanh Hóa, rút ngắn chỉ còn 2 giờ.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng dự kiến thông xe vào ngày 30/4 tuy nhiên, do một số hạng mục chưa hoàn thiện, dự án này dự kiến lùi ngày khánh thành gần 3 tuần, tức vào ngày 19/5.
Dự án được khởi công từ tháng 9/2020. Toàn tuyến được thiết kế giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17m, tốc độ tối đa 80km/h đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Dự án có 31 cầu trên tuyến chính, 20 cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến kết nối đường cao tốc với QL1 và 5 cầu vượt nút giao liên thông.
Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu lãnh đạo các nhà thầu thường trực ở công trường để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo nguồn tài chính trong quá trình thi công, đặc biệt 3 gói thầu đang chậm (gói thầu 2, 3, 4). Trong đó, các nhà thầu ưu tiên máy móc, nhân lực hoàn thiện các công việc còn lại trên tuyến chính, các nút giao, cầu vượt, hoàn thiện thủ tục để đảm bảo mục tiêu đưa tuyến chính cao tốc vào khai thác trong tháng này.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, đoạn qua Bình Thuận dài 47km và Đồng Nai dài 52km. Dự án được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án gồm 4 gói thầu đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Hiện, khu vực nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã cơ bản hoàn thành.
Cao tốc được thiết kế quy mô 6 làn xe, nền đường hơn 32m, đạt vận tốc vận tốc tối thiểu 60km/h, tối đa 120km/h. Dọc tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có nhiều nút giao khá lớn với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Sau khi hoàn thành, quãng đường từ TP.HCM đến Kê Gà được rút ngắn còn gần 2 giờ và Phan Thiết khoảng 2,5 giờ.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Bộ GTVT cho biết, sẽ đạt mục tiêu đưa vào khai thác 3 dự án thành phần cao tốc trước dịp 30/4 này, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.