Công nhân phản đối chính sách lương của Boeing. Ảnh: CNN.
33.000 công nhân của nhà sản xuất máy bay Boeing đã bắt đầu đình công vào sáng sớm ngày 12/9 vì không hài lòng về thỏa thuận sơ bộ với công ty, theo Reuters. Người lao động yêu cầu tăng lương và được cải thiện thêm nhiều ích lợi khác.
Theo báo cáo từ Ngân hàng đầu tư TD Cowen, nếu xảy ra cuộc đình công kéo dài 50 ngày, Boeing có thể chịu thiệt hại 3-3,5 tỷ USD.
Trước đó vào ngày 9/9, Boeing và Hiệp hội quốc tế thợ máy và nhân viên hàng không (IAM) - một trong những nghiệp đoàn lớn nhất của hãng, đại diện cho hơn 32.000 công nhân tại Tây Bắc Thái Bình Dương đã công bố thỏa thuận mới có thời hạn 4 năm.
Thỏa thuận bao gồm các cam kết của Boeing về mức tăng lương chung là 25% và triển khai chương trình sản xuất máy bay thương mại khu vực Seattle trong thời gian của thỏa thuận.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gây ra nhiều tranh cãi khi nhiều lao động muốn Boeing giữ mức tăng lương 40% và khôi phục kế hoạch lương hưu theo chế độ phúc lợi xác định.
Cuộc đình công nêu trên sẽ gây áp lực buộc nhà sản xuất máy bay phải đưa ra các điều khoản ưu đãi hơn và là đòn giáng mới vào Boeing khi hãng này đang cố gắng nâng cao chất lượng sau những bê bối trong quy trình sản xuất.
Theo Reuters, một cuộc đình công kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Boeing, mà còn ảnh hưởng đến các hãng hàng không phụ thuộc vào dòng máy bay phản lực của Boeing, cũng như các nhà cung cấp sản xuất phụ tùng và linh kiện cho các máy bay của tập đoàn.
Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing vào năm 2008 đã khiến nhà máy phải đóng cửa trong 52 ngày, gây thiệt hại doanh thu ước tính 100 triệu USD/ngày.
"Đình công không phải là lựa chọn lý tưởng, nhưng đó là điều tốt nhất cho lợi ích lâu dài của bạn", ông Joe Philbin - một thợ cơ khí đã làm việc tại Boeing 6 tháng - cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch công đoàn IAM Jon Holden nhấn mạnh: "Đây là vấn đề tôn trọng, vấn đề giải quyết quá khứ và vấn đề đấu tranh cho tương lai của chúng ta".