Nhìn tổng quan, UKVFTA đã được doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, khai thác thành công. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt chuỗi cung ứng trên thế giới, đặc biệt là làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng tư, kim ngạch thương mại song phương hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Anh năm 2021 đạt 6,6 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 5,8 tỉ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt 849 triệu USD , tăng 23,6%. Việt Nam xuất siêu gần 5 tỉ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, do tiếp tục chịu tác động của đại dịch Covid -19, cộng hưởng với tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Anh đạt 2,68 tỉ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Hơn một năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam đã khai thác khá thành công thị trường Anh, ngay cả những mặt hàng vốn được các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường này. Nguyên nhân hàng đầu là do được giảm thuế nhập khẩu vào Anh về 0% sau ngày 1/1/2021, nên nhiều hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác sang Anh.
Chẳng hạn, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường này với giá trị xuất khẩu khoảng 500 triệu USD/năm, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của Anh, mặc dù phải cạnh tranh với các nước đang dẫn đầu tại thị trường này gồm Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ. Hoặc với mặt hàng thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ta có lợi thế về cả kinh nghiệm, năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm, trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 6,7% và đang cạnh tranh khá tốt với các đối thủ từ Trung Quốc, Ireland, Thụy Điển…
Một thí dụ nữa là thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu khoảng 600-700 nghìn tấn. Mặc dù Việt Nam làm một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh không nằm trong TOP 10 các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Anh, và phải cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh như Ấn Độ (chiếm khoảng 20% thị phần tại Anh), Pakistan (18%), Tây Ban Nha (11%), Italia (10,9%), Thái Lan (9,2%)… Nhưng tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh hiện có nhiều dấu hiệu tích cực.
Tổng lãnh sự Anh tại TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam Oliver Todd tin tưởng rằng, với UKVFTA, Việt Nam có thể thay thế các nước khác như Ấn Độ, Indonesia để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh. Trên thực tế, hiện Anh nằm trong TOP 5 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, TOP 3 thị trường xuất khẩu gỗ. Tại các siêu thị Anh quốc, có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như tiêu, điều, cà phê, thủy sản… Riêng mặt hàng hạt điều Việt Nam chiếm tới 90% lượng điều tại Anh.
Lý do thứ hai khiến doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường Anh sau khi UKVFTA có hiệu lực là bởi ngay từ khi đàm phán, hai bên đã ưu tiên đưa các mặt hàng vào diện giảm thuế của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Vương quốc Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD của Anh. Điều này cho thấy, trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.
Thứ ba, trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang có thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Anh, nắm rõ thủ tục xuất khẩu vào Anh, cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào công nghệ bảo quản và logistics, đồng thời tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam, chủ động tiếp cận với các tập đoàn phân phối lớn của Anh để trở thành đơn vị cung cấp hàng hóa vào các chuỗi phân phối này.
Thứ tư, hiện nay Chính phủ đã có các chương trình thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như những lưu ý để có thể tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.