Liên quan đến vụ tai nạn trực thăng Bell 505 tại vịnh Hạ Long, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thông báo vụ việc đến hãng thiết kế chế tạo trực thăng Bell và Ủy ban an toàn vận tải Canada (quốc gia thiết kế, chế tạo trực thăng).
Cục cũng thông báo tới Safran (doanh nghiệp chế tạo động cơ trực thăng cho Bell) và Ủy ban An toàn hàng không dân dụng Pháp (quốc gia đặt trụ sở của Safran).
Quy trình thông báo này được nhà chức trách hàng không Việt Nam thực hiện căn cứ theo Phụ ước 13 Công ước Chicago của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên.
Hiện, cả 4 tổ chức nói trên đã gửi thư cho Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hỗ trợ và cử đại diện tham gia điều tra tai nạn. Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ GTVT thông báo cho Bộ Quốc phòng để xem xét chấp thuận việc này.
Nếu được chấp thuận, các đơn vị nước ngoài sẽ tham gia vào công tác điều tra tai nạn, hỗ trợ kỹ thuật nhằm thu thập dữ liệu phục vụ điều tra.
Về việc thành lập Ủy ban điều tra vụ tai nạn trực thăng này, Cục Hàng không đề xuất thành phần lãnh đạo dự kiến của ủy ban gồm lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Bộ GTVT. Ngoài ra, thành viên ủy ban sẽ có đại diện Cục Tác chiến, Cục Hàng không, Cục Cứu hộ cứu nạn, Binh đoàn 18 (doanh nghiệp vận hành trực thăng Bell), Tổng công ty Quản lý bay, chính quyền địa phương...
Hiện, các mảnh vỡ của trực thăng Bell 505 đã được tìm thấy, trục vớt và đưa về bảo quản tại Hà Nội.
Trước đó, lúc 16h56 ngày 5/4, máy bay Bell 505 mang số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc cất cánh từ Tuần Châu (TP Hạ Long) thực hiện tour tham quan vịnh Hạ Long. Trên máy bay có 4 hành khách và một phi công. Sau khi cất cánh được khoảng 19 phút, máy bay gặp sự cố và mất tín hiệu với đài kiểm soát không lưu.
Vị trí máy bay Bell 505 bị rơi nằm mép bờ, thuộc phía đông bắc đảo Cát Bà, Hải Phòng. Sau 24 giờ tìm kiếm, phần xác của máy bay Bell 505 và hộp đen được trục vớt. Đến sáng 7/4, toàn bộ thi thể 4 hành khách và phi công được tìm thấy.