Vì lạm phát, chính những cuốn sách giờ cũng bắt đầu thay đổi ngoại hình.
Một bài báo gần đây trên The Economist cho biết: “Một số nhà xuất bản đang bắt đầu tiết kiệm bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các ký tự. Bên cạnh đó, văn bản cũng có thể chạy gần hơn đến các mép của trang giấy.
Điều này là do giá giấy đã tăng cao. Theo tờ The Economist, loại giấy mà các nhà xuất bản Anh sử dụng đã tăng giá 70% trong năm qua .
Cũng như nhiều công ty giảm kích thước của sản phẩm trong thời kỳ lạm phát cao để giữ nguyên giá sản phẩm - một hiện tượng được gọi là lạm phát thu nhỏ - các nhà xuất bản cũng đang làm tất cả những gì họ có thể làm để không phải thu thêm tiền từ những người tiêu dùng đang ngày càng chi li.
Google cho biết “Lạm phát là gì?” đang trở thành một kết quả có lượt tìm kiếm tăng mạnh trong năm nay, và không có gì đáng ngạc nhiên khi giá cả tăng với tốc độ kỷ lục ở nhiều quốc gia.
Những người dân Nga đang thể hiện nhiều sự lo lắng nhất về lạm phát, tiếp theo là những người sống ở Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista. Trong khi đó, mối quan tâm tăng nhanh nhất là ở Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý.
Lo ngại về lạm phát đang gia tăng trên khắp thế giới.
Dành cho bất kỳ ai đang lo lắng hoặc bối rối trước lạm phát, 5 cuốn sách về lạm phát này có thể trả lời cho các bạn về cách lạm phát xảy ra và làm thế nào để chúng ta kiểm soát được nó. Và nếu như bạn lo rằng giá giấy quá cao, tất cả chúng đều có sẵn dưới dạng ebook.
Inflation Matters (Tạm dịch: Các vấn đề lạm phát) của Pete Comley
Lạm phát là gì và nó được đo lường như thế nào? Tại sao giảm phát lại được coi là một vấn đề?
Cuốn sách này của Pete Comley cung cấp đầy đủ thông tin tổng quát về tất cả các yếu tố của lạm phát. Cuốn sách được chia làm 4 phần, bắt đầu bằng cách đưa ra các câu chuyện có thật và hư cấu về lạm phát, sau đó điểm qua các điển hình từ các giai đoạn khác nhau trong lịch sử, cuối cùng là xét thực trạng hiện tại và phương hướng trong tương lai.
Ngoài việc rút ra các bài học từ siêu lạm phát trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đến suy thoái những năm 1930, cuốn sách cũng xét đến các ý tưởng mới như "học thuyết sóng lạm phát". Đây là niềm tin rằng có một “mô hình sóng tăng lạm phát rõ rệt trong hơn một thế kỷ, theo sau là một giai đoạn cân bằng với giá cả gần như ổn định, và chu kỳ đó cứ như vậy lặp lại”. Học thuyết này khẳng định rằng thời gian và cực điểm của sóng có thể khác nhau, nhưng thời gian của chu kỳ thì không.
Tác giả cũng cũng phân tích về "lạm phát thấp" của những năm 2010, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính đã giữ giá cả thấp và góp phần tạo ra "thế giới lạm phát bằng 0", một tình trạng mà chúng ta đang dần thoát khỏi.
Understanding Money Mechanics (
Tạm dịch:
Hiểu cơ chế của tiền)
của Robert Murphy
Được Tổ chức học giả về Giáo dục Kinh tế của Hoa Kỳ giới thiệu là “cuốn sách nên đọc nếu bạn muốn hiểu về lạm phát”, Cơ chế Hiểu về Tiền của nhà kinh tế học Robert Murphy giải thích một cách căn bản về các vấn đề “tiền là gì, tại sao nó xuất hiện và cách nó hoạt động trong thế giới ngày nay".
Tác giả tập trung vào mối liên hệ giữa “lạm phát giá cả” (tăng giá hàng hóa) và “lạm phát tiền tệ” (tăng cung tiền của các ngân hàng trung ương, chẳng hạn như thông qua các chương trình nới lỏng định lượng).
Tác giả cũng phân tích các giai đoạn siêu lạm phát nổi tiếng trong lịch sử - chẳng hạn như ở Zimbabwe vào những năm 2000, khi lạm phát có thời điểm lên tới 98% mỗi ngày - và đặt câu hỏi tại sao các chính phủ không thể chỉ in thêm tiền khi nền kinh tế khó khăn.
Cuốn sách đã đưa ra câu trả lời rằng đó thường là một “thảm họa khi các chính phủ in tiền quá mức”.
Inflation Targeting: Lessons from the International Experience (
Tạm dịch:
Nhắm mục tiêu lạm phát: Bài học từ Kinh nghiệm Quốc tế)
của Ben Bernanke và cộng sự
Nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu về lạm phát. Cuốn sách này giải thích lý do tại sao đó là điều nên làm, và điều đặc biệt là nó được viết trước khi nhiều ngân hàng trung ương đưa ra chính sách như vậy.
Các tác giả của cuốn sách, gồm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernanke, cùng với các nhà kinh tế học Thomas Laubach, Frederic Mishkin và Adam Posen, lập luận rằng việc đặt ra các mục tiêu theo tỷ lệ phần trăm giúp công chúng hiểu được mục tiêu của chính sách tiền tệ và tăng trách nhiệm giải trình của những nhà lập pháp.
Tuy nhiên, cuốn sách cũng đề cập rằng các mục tiêu như vậy không nên hoàn toàn cứng nhắc. Thay vào đó, chúng nên “giống như một khuôn khổ mà theo đó, ngân hàng trung ương vận hành để ổn định lạm phát ”, theo đánh giá của Phó Giáo sư Kinh tế Đại học Oxford, Federica Romei.
Cuốn sách bao gồm các ví dụ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả New Zealand, quốc gia đầu tiên thử nghiệm mục tiêu lạm phát. Tác giả cho rằng các mục tiêu như vậy đã giúp giữ lạm phát và lãi suất thấp. Nhưng họ cũng chỉ ra rằng những mục tiêu như vậy không bao giờ là đủ để giữ lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát, và chúng ta cũng đã thấy điều này trong năm 2022 vừa qua..
Talking to My Daughter
(Tạm dịch: Trò chuyện với con gái) của Yanis Varoufakis
'Kinh tế học là bộ phim lớn nhất của thời đại chúng ta,' theo Yanis Varoufakis, trong cuốn sách mới của ông về lạm phát.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tuyên bố đã viết cuốn sách này chỉ trong chín ngày. Dài 224 trang và có phụ đề là Lược sử tóm tắt về chủ nghĩa tư bản , nó giải thích “mọi thứ bạn cần biết để hiểu tại sao kinh tế học là bộ phim lớn nhất của thời đại chúng ta ”.
Bỏ qua các thuật ngữ phức tạp của các học thuyết kinh tế, ông sử dụng phong cách đối thoại, đơn giản, để giải thích lạm phát và cung tiền bằng cách so sánh chúng với thị trường thuốc lá trong trại tù chiến tranh của Đức, tờ The Guardian của Anh đã bình luận như vậy trong bài đánh giá của mình.
Lượng thuốc lá được lưu hành cao hơn khiến chúng có giá trị thấp hơn trong trại và giảm giá trị trao đổi của chúng so với các hàng hóa khác. Trong khi đó, một số người giống như “chủ ngân hàng” thuốc lá, tích trữ hàng để cung cấp cho những người không có khả năng thanh toán, nhưng chỉ khi những người hút thuốc chấp nhận mức lãi suất đi kèm.
Bài đánh giá của The Financial Times cho biết: “ Câu chuyện của Varoufakis có mang chút hơi hướng cánh tả. Ông nhắm vào bản chất chính trị trong các quyết định của các ngân hàng trung ương - bất chấp sự độc lập rõ ràng của các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế phát triển - và nói rằng kiểm soát tiền luôn dẫn đến kiểm soát quyền lực.
When Money Dies (
Tạm dịch:
Khi tiền chết)
của Adam Fergusson
Trong cuốn sách mới của ông về lạm phát, Adam Fergusson đề cập đến những bài học mà siêu lạm phát ở Cộng hòa Weimar có thể dạy cho thế giới ngày nay.
Hình ảnh: Amazon.
Câu chuyện về Cộng hòa Weimar này phân tích điều sẽ xảy ra khi siêu lạm phát được duy trì. Làm thế nào để một quốc gia phục hồi khi đồng tiền của họ mất giá quá mức và không còn đường quay trở lại?
Cộng hòa Weimar - chính phủ của Đức từ năm 1918 đến năm 1933 - đã phải đối mặt với quy mô lạm phát lớn đến mức, vào năm 1923, tiền trở nên vô giá trị và nền kinh tế hàng đổi hàng xuất hiện. Giá đã tăng 29.500% trong năm đó, tức 21% mỗi ngày.
Khác với nhiều cuốn sách về lạm phát, cuốn này còn tập trung vào cả tác động đến con người của lạm phát . Người dân sẽ làm thế nào khi rơi vào cảnh "giật gấu vá vai"? Làm thế nào để nền kinh tế, cùng với hoàn cảnh của dân chúng, có thể phục hồi?
Trên hết, các chính phủ nên làm gì? “ Một điều dễ gây đánh lừa là nếu giả định rằng ngày tính toán bị hoãn lại, sự phục hồi kinh tế sẽ đến kịp thời để ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp cao hơn hoặc suy thoái sâu hơn. Còn nếu không thì sao? ”
Đó là câu hỏi mà tất cả các chính phủ và ngân hàng trung ương nên tự hỏi vào năm 2022.