Sức mạnh của một đồng tiền được hình thành bởi nhiều yếu tố từ cả bên trong lẫn bên ngoài, chẳng hạn dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương, vai trò của các lực lượng cung - cầu trên thị trường ngoại hối, cán cân thương mại của một quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát.
Vẫn còn những yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn khả năng chấp nhận một loại tiền tệ trong thương mại quốc tế, và sức mua của nó trên thị trường hối đoái.
Để thực hiện những giao dịch tài chính như trong thương mại quốc tế, các ngân hàng trung ương sẽ giữ một lượng ngoại hối đáng kể, được gọi là tiền tệ dự trữ.
Theo một báo cáo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi năm ngoái, 5 loại tiền tệ chiếm tới 94% tổng dự trữ ngoại hối trên thế giới, trong đó 59% là đồng USD.
Vị thế của USD
Một chỉ số quan trọng khác đo lường sức mạnh của một loại tiền tệ là khối lượng giao dịch ngoại hối. Điều này liên quan đến việc mua - bán tiền tệ của hai quốc gia khác nhau, bằng cách đo lường giá trị của đồng tiền bằng một loại tiền tệ khác.
Theo Forbes, xét về mặt khối lượng, USD và euro là cặp tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.
Các ngân hàng trung ương quản lý lượng ngoại hối dự trữ. Trong khi đó, ngân hàng thương mại là bên đóng góp nhiều nhất cho những giao dịch ngoại hối.
Insider Mokey đã liệt kê ra 5 loại tiền tệ quyền lực nhất thế giới. Đứng đầu bảng là đồng bạc xanh. Gần một nửa trong số các khoản nợ và tín dụng quốc tế được tính bằng USD.
Đồng bạc xanh cũng được sử dụng trong gần 50% thương mại toàn cầu. Nhưng theo một báo cáo do IMF công bố, tỷ lệ dự trữ của đồng tiền này đã lao dốc trong những thập kỷ qua.
Kể từ khi euro được ra mắt vào năm 1999, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng USD của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã giảm từ 71% xuống 59%.
Vị thế thống trị của USD đang bị đe dọa vì những thay đổi kinh tế - chính trị toàn cầu. Với đà phát triển của kinh tế Trung Quốc từ thập niên 90, Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch trên thế giới.
Hơn nữa, việc Washington dùng các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm đạt được những mục tiêu chính sách đối ngoại sẽ đe dọa vai trò trung tâm của hệ thống tài chính Mỹ. Các chính phủ nước ngoài đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Chẳng hạn, tỷ lệ USD được dùng trong xuất khẩu của Nga sang các nước thành viên BRICS (PV: khối nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã giảm từ 85% trong năm 2019 xuống 36% năm 2022.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của các đồng tiền điện tử, chẳng hạn tiền mã hóa, cũng được coi là mối đe dọa với USD.
Euro và yen Nhật
Chiếm 21% trong tổng số tiền dự trữ của các ngân hàng trung ương và hơn 2.300 tỷ USD giao dịch ngoại hối mỗi ngày, euro là đồng tiền mạnh thứ hai thế giới.
Euro là tiền tệ chính thức của Liên minh Châu Âu (ECB) và được quản lý bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Với việc sử dụng euro, 19 thành viên của EU có thể tránh chi phí chuyển đổi tiền tệ trong thương mại quốc tế.
Trong khi đó, yen Nhật chiếm 6% trong tổng dự trữ ngoại hối và đã vượt Anh để trở thành đồng tiền quyền lực thứ 3 thế giới.
Yen cũng là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 3 trên thế giới với khối lượng giao dịch hàng ngày là 1.200 tỷ USD. Đồng tiền này được các nhà đầu tư ưa chuộng vì tỷ lệ lạm phát và lãi suất thấp tại Nhật nhờ dân số già.
Goldman Sachs Group thậm chí tuyên bố yen Nhật là tài sản rẻ và an toàn nhất để đầu tư.
Bảng Anh và nhân dân tệ
Với khoảng 968 tỷ USD giao dịch ngoại hối hàng ngày và chiếm 5% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, đồng tiền của Anh cũng nằm trong nhóm những tiền tệ quyền lực nhất.
Bảng Anh cũng nằm trong số những đồng tiền lâu đời nhất. Trước khi USD giành vị thế thống trị, bảng Anh là đồng tiền dự trữ toàn cầu trong thế kỷ IXX và nửa đầu thế kỷ XX.
Trong khi đó, nhân dân tệ chiếm khoảng 3% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Mỗi ngày, khối lượng giao dịch bằng đồng tiền Trung Quốc trên thế giới đạt hơn 520 tỷ USD.
Với vị thế ngày càng gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đang tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thông qua việc thúc đẩy sử dụng đồng tiền này trong thương mại và đầu tư.
Khoảng 8 quốc gia đang cân nhắc giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD.