Theo Market Insider, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc kể từ cuối tháng 10 năm ngoái - khi S&P 500 giảm liên tục gần 25%. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Goldman Sachs lại cho rằng hiện tại mới là thời điểm mà nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho những rủi ro lớn nhất.
Cụ thể, Goldman Sachs cho rằng thị trường sẽ tiếp tục bị bán tháo tới hơn 20% trong vòng vài tháng tới vì khả năng suy thoái kinh tế.
"Nhiều nhà quản lý quỹ lâu năm đã bắt đầu chuẩn bị danh mục cho thời điểm suy thoái. Nếu kịch bản này xảy ra, S&P 500 có thể giảm tới 23% xuống còn khoảng 3.400 điểm", chuyên gia David Kostin của Goldman Sachs cho biết.
Ngoài ra, chính việc thị trường đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay lại trở thành nguyên nhân khiến đà giảm càng lớn.
Do đó, theo ông Kostin, các nhà đầu tư nên có vài biện pháp "phòng thủ" từ bây giờ.
1. Mua bảo hiểm chứng khoán
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đầu tư đã dự đoán trước được và mua bảo hiểm từ cuối tháng 5, một số thậm chí còn mở mua các quyền chọn và hợp đồng phái sinh từ cuối tháng 6. Do đó, đây không phải là thời điểm mà bảo hiểm chứng khoán còn giá tốt nữa.
Tuy nhiên, ông Kostin vẫn cho rằng nhà đầu tư nên mua bảo hiểm, vì trong trường hợp suy thoái, thị trường rất khó để hồi phục từ đáy.
2. Dòng tiền thu hẹp, rủi ro rút vốn tăng cao
Trong lịch sử chứng khoán, sự sụt giảm mạnh về thanh khoản thị trường thường là dấu hiệu cho thấy khả năng thoát vốn trong thời gian sau đó.
Theo các chuyên gia tại Goldman, họ đã so sánh khoảng cách từ mức cao nhất trong năm với thời điểm hiện tại và nhận thấy rằng dòng tiền vào thị trường bị thu hẹp đáng kể trong thời gian này, nhất là sau khi nhiều nhà đầu tư cho rằng "bong bóng công nghệ" có thể vỡ.
3. Định giá thị trường quá cao
Hiện tại, chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở quanh mức 4.450 điểm với P/E là 19. Theo ông Kostin, đây là lần đầu tiên P/E của chỉ số này cao như vậy kể từ năm 1976.
Và trong lịch sử, khi P/E ở mức này hoặc cao hơn, S&P 500 sẽ giảm ít nhất 14% trong vòng 12 tháng tới, so với mức trung bình 5% của khoảng thời gian thông thường.
4. Hưng phấn quá đà trong thời gian trước
Trong khi các nhà kinh tế chỉ kỳ vọng tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2023 là 1%, thì thị trường chứng khoán lại đưa ra con số xấp xỉ 2%.
Điều này là dấu hiệu cho thấy phần lớn nhà đầu tư đang hưng phấn quá đà trong thời gian qua, và khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, đây sẽ là cơn lốc thổi bay mọi tích lũy kể từ đầu năm.
5. Cổ phiếu không còn là lựa chọn duy nhất
Trên thị trường chứng khoán Mỹ nửa đầu 2023, giới đầu tư liên tục tăng tỷ lệ sở hữu vốn chủ, các quỹ phòng hộ tăng đòn bẩy, các quỹ tương hỗ cắt giảm số dư tiền mặt và nhà đầu tư liên tục mua ròng cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo ông Kostin, đây không phải là điều có thể khẳng định vị thế của thị trường chứng khoán truyền thống. Ngành tài chính hiện tại đang có quá nhiều sản phẩm có thể đầu tư như bảo hiểm, quyền chọn, hợp đồng tương lai...
Do đó, một khi thị trường lao dốc, nhà đầu tư sẽ ngay lập tức tháo chạy và rút tiền.