Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 19/6, đánh dấu đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 từ đầu năm 2023.
Nhà điều hành chính sách đã điều chỉnh lãi suất tối đa với tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%/năm. Còn lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5% một năm.
Có dư địa để hạ lãi suất
Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với nhóm ngành ưu tiên cũng được điều chỉnh từ 4,5% xuống 4% một năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5% xuống còn 5%/năm.
Quyết định này được đưa ra theo định hướng của Chính phủ về quyết liệt giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế.
Bàn luận về vấn đề hạ lãi suất, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định động thái trên đến từ áp lực phải hạ lãi suất khi doanh nghiệp rất khó khăn và tăng trưởng kinh tế thấp.
"Nhà điều hành quan ngại khi tín dụng tăng trưởng thấp và đang chịu áp lực lớn, để đạt tốc độ tăng 14-15% cả năm nay thì tín dụng sẽ phải tăng mạnh trong nửa cuối năm", ông Thành nói tại hội thảo "Tìm ổn định trong bất định".
Chính phủ quan ngại về đình trệ sản xuất và doanh nghiệp khó khăn dẫn đến đổ vỡ là có thật, do đó đây không chỉ là câu chuyện về tăng trưởng mà còn là sức khỏe của nền kinh tế. Thời điểm này cũng đã có nhiều dư địa để hạ lãi suất so với đầu năm.
Mặc dù bối cảnh xuất nhập khẩu còn khó khăn, nhiều đơn hàng lớn chưa cải thiện nhưng điểm thuận lợi là tỷ giá ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và áp lực lạm phát không quá lớn, theo ông Thành có thể đạt mục tiêu kiểm soát ở mức 4,5% trong năm nay.
5 nhóm ngành hưởng lợi
Ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset, đánh giá việc tiếp tục giảm mức trần huy động sẽ tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.
Dựa theo số liệu năm 2022, vị chuyên gia nhận thấy 5 nhóm ngành có mức vay nợ cao sẽ được hưởng lợi lớn trong chu kỳ giảm lãi suất này là: Bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông & hải sản và xây dựng.
Mirae Asset cũng đưa ra các kịch bản về mức lãi suất giảm và mức độ hồi phục lên các nhóm ngành được hưởng lợi. Theo đó, trong kịch bản trung tính, ngành thép là nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất, tiếp đến là xây dựng và nuôi trồng nông & hải sản.
Ông Trí dẫn chứng ngành bất động sản đã có tín hiệu hồi phục sau giai đoạn tái cơ cấu và có nhiều chính sách giải cứu. Do vậy, ông kỳ vọng các nhóm ngành trên cũng sẽ tích cực hơn nhờ các chính sách giảm lãi suất.
Chuyên gia từ Mirae Asset đánh giá thêm việc hạ lãi suất cũng có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Quy luật cung cầu sẽ giúp dòng tiền từ các kênh tiết kiệm dịch chuyển tốt hơn qua kênh chứng khoán.
Giá trị giao dịch thực tế trong quý I lao dốc về mức thấp chỉ đạt bình quân 11.425 tỷ đồng/phiên trên cả 3 sàn hiện hữu. Tuy nhiên, thanh khoản từ tháng 5 đã nhảy vọt và đạt đến hơn 21.000 tỷ đồng/phiên trong nửa đầu tháng 6, đồng thời xuất hiện lại những phiên giao dịch tỷ USD.
"Đây là sự thay đổi đáng kể trên thị trường, có những dòng tiền trước tham gia thận trọng nhưng hiện tại đã thay đổi quan điểm, dòng tiền tham gia quyết liệt hơn", ông Trí nói về tác động của các chính sách hỗ trợ quyết liệt như giảm lãi suất hay là thúc đẩy đầu tư công.
Nhà đầu tư hiện còn những mối lo ngại và thị trường có những phiên điều chỉnh; tuy nhiên tâm lý đã được cải thiện đáng kể để hào hứng tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán, là "sự giải thích" rõ ràng nhất về giá trị giao dịch tăng vọt gần đây.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong tháng 5 khi đạt lại mốc trên 100.000 đơn vị. Khảo sát sơ bộ của chuyên gia Mirae Asset cho thấy con số mở mới trong tháng 6 vẫn duy trì tốt, cho thấy mức độ quan tâm vẫn rất lớn.
Do dòng tiền tham gia thị trường còn rất lớn đã giúp giữ thị trường ở trạng thái ổn định, khó xảy ra những rung lắc và các cú "sập" lớn bởi dòng tiền lớn vẫn đang bơm vào.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh sau khi chứng kiến tài khoản mở mới tăng nhanh trở lại. Mốc kháng cự quan trọng của VN-Index là 1.080 điểm vượt qua dễ dàng nhờ lực cầu lớn, do đó lại trở thành vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.
Thêm nữa, dòng vốn từ khối ngoại cũng đang tích cực hơn và hòa chung vào xu hướng mua ròng chung toàn thị trường, qua đó kỳ vọng mặt bằng điểm số sẽ duy trì ở mức cao hơn giai đoạn trước.
Số liệu cho thấy các quỹ mở đang phát tín hiệu đảo chiều khi huy động ròng hơn 21,6 triệu USD (508 tỷ đồng) trong tuần vừa qua. Điểm tích cực là dòng tiền ngoại đồng đều hơn khi đến từ các quỹ đến từ Hàn Quốc, Diamond hay FinLead...