Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2024. Năm nay, Việt Nam tiếp tục đóng góp 6 tỷ phú, không thay đổi so với năm ngoái.
6 tỷ phú Việt có tên gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 4,4 tỷ USD. So với năm ngoái, giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup chỉ tăng 100 triệu USD, tương đương 2,3%.
Hiện tỷ phú Vượng đang đứng thứ 712 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, ngang hàng với ông chủ MicroStrategy Michael Saylor.
Kế sau ông Vượng là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Vietjet Air. Năm vừa qua, khối tài sản của bà Thảo phục hồi 27%, tức có thêm 600 triệu USD, để nâng lên mốc 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, “vua thép” Trần Đình Long mới là tỷ phú gia tăng tài sản mạnh nhất năm qua. Theo cập nhật của Forbes, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát hiện nắm trong tay 2,6 tỷ USD, tăng 40% so với năm ngoái.
Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ diễn biến của cổ phiếu đại diện doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán. So với đầu năm 2023, thị giá HPG đã tăng 72% lên mốc 30.400 đồng/đơn vị.
Đáng nói, ông Trần Đình Long từng có thời điểm rời khỏi danh sách tỷ phú vào đầu năm ngoái. Giai đoạn ngày 11/3-9/11/2022, cổ phiếu HPG giảm một mạch từ 47.600 đồng/đơn vị xuống còn 13.000 đồng, tương đương mức giảm 73%. Biến động này thậm chí đẩy Hòa Phát ra khỏi top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.
Tỷ phú Việt cuối cùng chứng kiến khối tài sản “phình lên” là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Với 1,7 tỷ USD, cải thiện 13% so với năm ngoái, ông Hồ Hùng Anh hiện xếp thứ 1.851 trong nhóm giàu nhất thế giới.
Năm vừa qua được xem là giai đoạn biến động với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Chủ tịch Masan lần đầu ghi tên vào danh sách tỷ phú USD hồi 2018, từ đó đến nay khối tài sản của ông dao động trong khoảng 1-1,9 tỷ USD. Trong đó, mức cao nhất 1,9 tỷ USD được Forbes ghi nhận vào năm 2022.
Trong các tháng đầu năm nay, ông chủ tập đoàn Masan liên tục “biến mất” rồi trở lại danh sách của Forbes do những biến động của cổ phiếu MSN. Gần nhất, vào ngày 16/1, ông bị xóa tên khi chỉ mới quay trở lại bảng xếp hạng tỷ phú USD 13 ngày.
Nhờ thị giá cổ phiếu phục hồi, ông Quang đã trở lại danh sách tỷ phú với giá trị tài sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm gần 8%.
Tỷ phú Việt cuối cùng trong danh sách, đồng thời là tỷ phú thứ 2 ghi nhận tài sản giảm sau một năm là ông Trần Bá Dương và gia đình. Với giá trị 1,2 tỷ USD, giảm 20%, tài sản của gia đình ông chủ Tập đoàn Thaco có năm thứ 3 liên tiếp suy yếu.
Theo đánh giá của Forbes, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 2.781 người, tăng 141 người so với năm ngoái và nhiều hơn kỷ lục thiết lập vào năm 2021 là 26 người.
Giá trị tài sản của giới tài phiệt đạt 14.200 tỷ USD, tăng 2.000 tỷ USD so với năm ngoái. Khoảng 2/3 lượng tỷ phú trong danh sách chứng kiến tài sản tăng lên.