Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn với 7 lợi thế, bao gồm: Thứ nhất, kinh tế chính trị xã hội ổn định, đặc biệt được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
“Trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19 vào năm 2020-2021, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn đã quay trở lại hoạt động với 100% công suất và mở rộng đầu tư” – ông Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Thứ hai, nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Theo đó, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.
Thứ ba, nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và có chi phí cạnh tranh. Bên cạnh đó, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân giàu tiềm năng và đang tăng nhanh về sức mua. Theo đó, tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và theo Ngân hàng thế giới, sẽ đạt 50% vào năm 2030.
Thứ tư, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; đồng thời xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, tiếp tục hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển,…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hướng đến hoàn thiện trước năm 2025, nhằm tạo động lực mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ sáu, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, trung tâm trong khu vực, chỉ từ 3-5 giờ bay có thể kết nối với các nền kinh tế năng động trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…
Thứ bảy, sự quan tâm, đồng hành và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Theo một cuộc khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine Covid…) ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: Miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…
"Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, để thực hiện chủ trương trong thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam nên tập trung ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; dự án có tính lan toả, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đòng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện được mục tiêu ưu tiên đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và cả hiệp hội doanh nghiệp cần tập trung những giải pháp ngắn và dài hạn. Trong đó, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phuơng, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.
Cùng với đó, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về luật và chính sách điều chỉnh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.