Tìm giải pháp cho các điểm nghẽn trong phát triển nhà ở xã hội
Trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Thủ tướng nhấn mạnh cả nước đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đây là một kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động.
Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Đề án phải hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
"Chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm”, Thủ tướng nói.
Trước thực trạng Thủ tướng chỉ ra, Bộ xây dựng đã đề xuất 4 giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, các địa phương tổng hợp danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện đăng ký và gửi Bộ Xây dựng. Bộ sẽ công bố danh sách để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho vay vốn ưu đãi.
Thứ hai, khi phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải xét đến cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động hay không, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Thứ ba, Bộ Xây dựng đề xuất các địa phương triển khai ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với nhà ở xã hội, nhà công nhân sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ tư là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Cũng liên quan đến câu chuyện này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng để có thể phát triển được nhà ở xã hội như mục tiêu đề ra, cần sớm xem xét, sửa đổi toàn diện những tồn tại, vướng mắc liên quan.
Theo ông Lê Hoàng Châu, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần sớm xem xét việc cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức triển khai phần 20% đất nhà ở xã hội theo hướng: hoặc dành quỹ đất đó để xây dựng nhà ở xã hội, hoặc hoán đổi 20% đó sang xây dựng nhà ở thương mại và xây nhà ở xã hội tại một khu vực khác.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước xem xét thực hiện giảm thuế, giảm lãi suất đối với một số dự án hoặc đối tượng liên quan.
TP.HCM chưa hủy kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với 2 doanh nghiệp chậm nộp tiền
Dù đã gần một tháng sau hạn chót nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa hủy kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với Dream Republic và Sheen Mega.
Bộ Tài chính cho biết Cục Thuế TP.HCM đang chờ quyết định của UBND TP.HCM để thu hồi thông báo tiền sử dụng đất và thông báo lệ phí trước bạ.
Cơ quan thuế cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP đối với khoản 20% tiền đặt cọc và số tiền đã thu được do thực hiện biện pháp cưỡng chế trích từ tài khoản ngân hàng đối với khoản nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.
Nếu chiếu theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã kí với UBND TP, 2 doanh nghiệp này sẽ mất tổng số tiền cọc khoảng 320 tỷ đồng, còn khoảng 40,5 triệu đồng cưỡng chế trích từ tài khoản sẽ được nhận lại.
Hồi Cuối năm 2021, Công ty Dream Republic trúng đấu giá lô đất có diện tích 6.446 m2 khi ra giá 3.820 tỷ đồng. Trong khi đó, Sheen Mega mua lô đất diện tích 8.568 m2 với giá 4.000 tỷ đồng.
Đến tháng 4 năm nay, hai đơn vị có văn bản xin kéo dài thời gian thanh toán tiền sử dụng đất thành 6 đợt, từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng không được chấp thuận. Sau đó, các doanh nghiệp xin nộp 100 tỷ đồng trước ngày 30/4 và cam kết hoàn thành thanh toán phần còn lại trong vòng 180 ngày kể từ ngày thông báo nộp tiền sử dụng đất, tức trễ nhất ngày 6/7.
Tuy nhiên, từ đó đến nay cả hai doanh nghiệp đều không nộp thêm bất cứ khoản tiền nào.
Thêm 2 địa phương ra quyết định chấm dứt dự án của Tập đoàn FLC
Trong tuần qua, tỉnh Bình Định yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với 2 dự án gồm Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways và dự án Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió. Nguyên nhân chấm dứt là Tập đoàn FLC đã không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư.
Địa phương thứ 2 là Sóc Trăng. Theo đó, dự án khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, quy mô 47 ha đang được các cơ quan chức năng lập thủ tục trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư. Từ khi trúng thầu dự án vào giữa năm 2022 đến nay, Tập đoàn FLC vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư.