Mặc dù nhận thức được vai trò và tác động của hoạt động chuyển đổi số đối với sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp. Song, theo ông Vũ Viết Ngoạn, số đông các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực cả tài chính và nhân sự chuyên trách cho chuyển đổi số.
Đa số các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở ứng dụng công nghệ mới chứ chưa có chiến lược đột phá về tư duy, chuyển đổi đồng thời cả công nghệ lẫn mô hình kinh doanh, mô hình quản trị và tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ thất bại trong hoạt động chuyển đổi số khi 70% trong số các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề cho rằng họ chọn sai chiến lược số hóa và đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu chuyển đổi số đồi với việc bắt kịp xu hướng thị trường.
Từ góc độ tư vấn, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của akaBot (FPT Software) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới thất bại trong quá trình chuyển đổi số là do chiến lược quản trị, mô hình quản trị của doanh nghiệp chưa thực sự dịch chuyển cùng với tốc độ phát triển của làn sóng số hóa.
Theo khảo sát của Manufacturing Global, trong năm 2021, 42% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ đang sử dụng tự động hóa để quản lý rủi ro và con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng hai năm tới; 80% các công ty đa quốc gia cho rằng tự động hóa là điều quan trọng để giúp cả nhân viên và các đối tác chuỗi cung ứng làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để áp dụng siêu tự động hóa, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động nhân sự chấp nhận thay đổi công việc, thay đổi tư duy và thói quen làm việc.
Theo bà Thành, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hiện nay là các lĩnh vực có hoạt động chuyển đổi số đang mang lại sự thay đổi lớn nhất. Với tác động của chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hệ sinh thái ngân hàng mở và các mô hình tập đoàn tài chính tại Việt Nam đã bắt đầu hình thành và phát triển ở nhiều cấp độ, từ đó dẫn tới đòi hỏi mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều phải chủ động tìm hướng đổi mới chiến lược số hóa để cạnh tranh và theo kịp thị trường.
Ở lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm, bà Hoàng Hải Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam thông tin rằng, nhờ vào các sản phẩm công nghệ số hóa như eKYC và Blockchain, trong các năm gần đây, việc tham gia thị trường chứng khoán diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 4/2022, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 232.328 tài khoản chứng khoán, trong đó các nhà đầu tư cá nhân mở mới 231.782 tài khoản.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bảo hiểm, nhờ việc áp dụng các công nghệ tích hợp tài chính nhúng và các ứng dụng (app) liên kết giữa ngân hàng, công nghệ tài chính (fintech) và công ty bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm các năm gần đây tăng trưởng khá mạnh ở cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. Mức tăng trưởng trung bình trong lĩnh vực này đạt từ 16,7-22%/năm.