Theo dữ liệu từ các nguồn bao gồm Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 8, tổng giá trị trái phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ đã giảm 594 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 83 tỷ USD) xuống còn 3,48 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Đây là tháng giảm thứ 7 liên tiếp và là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2015. Trong tháng 9, khối ngoại tại thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng bán ròng cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục.
Dòng vốn ngoại chảy khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chứng kiến tăng trưởng giảm tốc mạnh.
“Rõ ràng nguyên nhân của việc này là những thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc”, ông Mark Reade, giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư thu nhập cố định tại Mizuho Securities Asia, nhận định. “Tuy nhiên, tôi cho rằng một nguyên nhân lớn hơn của cơn bán tháo này là sự chênh lệch về lợi suất giữa các thị trường”.
Theo Nikkei Asia, kể từ năm 2017, việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không bị gián đoạn nhờ chương trình Kết nối Trái phiếu với thị trường Hồng Kông. Bên cạnh đó, việc thêm trái phiếu Trung Quốc vào các chỉ số được các nhà đầu tư tổ chức theo dõi từ năm 2019 cũng đã tạo thêm động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, môi trường chính sách tiền tệ đã thay đổi đáng kể. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tiếp tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hồi tháng 4 đã vượt lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn tương tự - lần đầu tiên trong 12 năm.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi Trung Quốc để mua trái phiếu ở các thị trường khác (như Mỹ) với lợi suất cao hơn”, ông Reade nhận định.
Theo ông, việc các nhà đầu tư ngoại cũng đang rút vốn khỏi Trung Quốc do những lo ngại liên quan đến vấn đề địa chính trị.
“Vấn đề địa chính trị có thể là nguyên nhân khiến vốn ngoại nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng chính sách như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi tháng 1”, vị chuyên gia cho biết. “Con số này vượt xa mức giảm 8% của vốn ngoại nắm giữ trái phiếu Chính phủ trong cùng giai đoạn”.
Trái phiếu của các nhà băng này được xếp ngang hàng với trái phiếu Chính phủ về mức độ tín nhiệm. Hiện tại, loại trái phiếu này chủ yếu bị bán tháo bởi các quỹ ETF bằng đồng Nhân dân tệ và các công ty quản lý tài sản. Giới phân tích cho rằng, việc các ngân hàng này tham gia vào hoạt động cấp tín dụng liên quan tới lĩnh vực năng lượng của Nga có thể đã khiến nhà đầu tư lo lắng về rủi ro vấp phải trừng phạt của phương Tây.
Một số nhà quan sát thị trường đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã bán các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ để lấy tiền mặt sau khi phần lớn dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng do trừng phạt. Tuy nhiên, theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các ngân hàng trung ương chỉ chiếm 10% dòng vốn chảy khỏi trái phiếu Trung Quốc trong quý 1/2022.
"Chúng tôi kết luận rằng dòng vốn rút khỏi trái phiếu Chính phủ Trung Quốc không phải do hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương”, IIF cho biết.
Ngoài các lý do trên, một số nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và những gián đoạn do chính sách chống dịch Zero-Covid của Bắc Kinh cũng góp phần khiến vốn ngoại chảy khỏi Trung Quốc.
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ trên thị trường ngoài Trung Quốc cũng đang chịu áp lực giảm mạnh. Trong tháng 9, tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD đã sụt xuống mức thấp nhất 14 năm sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) mạnh tay hạ triển vọng tăng trưởng của nước này hôm 27/9. Theo WB, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 4,3% đưa ra hồi tháng 6. Con số này thậm chí bi quan hơn so với dự báo 3,3% năm nay mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mới đây. Năm 2021, GDP của Trung Quốc tăng 8,1%.