Từ tháng 7, một số chính sách mới về lao động chính thức có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý là mức lương cơ sở được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, kéo theo nhiều sự thay đổi về những khoản trợ cấp khác.
Tăng lương cơ sở
Nghị định 24/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng sẽ được áp dụng cho 9 nhóm người lao động.
Nhóm một là cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện. Nhóm 2, là cán bộ, công chức cấp xã. Nhóm 3 là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhóm thứ 4 là người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Nhóm 5 là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Nhóm 6 là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và hợp đồng lao động thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhóm 7 là sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, Công an nhân dân và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
Nhóm 8 là người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Nhóm 9 là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Như vậy, sau 2 năm (2020, 2021) bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi Covid-19, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương cơ sở. Trong suốt thời gian từ 1/7/2019 đến thời điểm hiện tại, cán bộ, công chức, viên chức vẫn áp dụng mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng.
Lý giải cho nguyên nhân chốt thời điểm tăng lương là 1/7 thay vì từ đầu năm 2023 (1/1), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết thời điểm 1/1 là đầu năm, gần với Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm nhạy cảm bởi nhu cầu mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá và tâm lý tăng lương kèm với tăng giá sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thay đổi các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội
Việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng kéo theo các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ thay đổi.
- Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau:
Theo khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Theo đó, lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.
- Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi:
Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia Bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.
Từ 1/7, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi của người lao động cũng sẽ là 3,6 triệu đồng cho mỗi con.
- Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
Theo khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản của lao động nữ được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 1/7 là 540.000 đồng/ngày.
- Mức trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn tới suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% sẽ được nhận trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp này được bao gồm cả trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng từ 7,45 triệu đồng lên 9 triệu đồng nếu suy giảm 5% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 900.000 đồng.
- Mức trợ cấp hàng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn tới suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng.
Mức trợ cấp này được bao gồm cả trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp hàng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 36.000 đồng/tháng.
- Mức trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Căn cứ theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì được hưởng trợ cấp phục vụ hàng tháng bằng mức lương cơ sở.
Do vậy, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp phục vụ cũng sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.
- Mức dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật:
Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà quay trở lại làm việc, trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày.
Mức hưởng dưỡng sức sau điều trị mỗi ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Theo đó, lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.
- Mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Theo Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần. Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp này sẽ tăng từ 53,64 triệu đồng lên thành 64,8 triệu đồng.
Mức lương sĩ quan quân đội, công an từ 1/7
Có hiệu lực từ ngày 20/7, các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 29/2023, quy định về tinh giản biên chế, được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030. Nghị định này thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018, Nghị định số 143/2020.
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi, việc xác định tuổi hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo tuổi nghỉ hưu thực tế của từng người để bảo đảm phù hợp với quy định tại Kết luận số 08-KL/TW của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.
Nghị định cũng bổ sung 2 chính sách nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ việc ngay theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15.