Thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn giảm mạnh trong tháng 11 với nhiều nguyên nhân, trong đó một phần đến từ khó khăn thanh khoản của các doanh nghiệp trên sàn, đặc biệt là nhóm bất động sản.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), thị trường hiện đã hình thành vùng đáy và mặt bằng định giá vẫn đang hấp dẫn, P/E thị trường đang ở mức 10,8 lần, tiệm cận vùng thấp nhất của định giá thị trường 10 năm qua. Bên cạnh đó, áp lực bán giải chấp lớn với nhiều cổ phiếu đã dần kết thúc đánh dấu bước chuyển trong diễn biến tâm lý thị trường. Tín hiệu đáng mừng còn đến từ giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại đã mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11 khi thị trường giảm sâu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện nới room tín dụng cho toàn hệ thống thêm khoảng 1,5 - 2% để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.
Agriseco Research đánh giá đây là giai đoạn phù hợp để giải ngân trở lại sau khi mức độ rủi ro thị trường đã giảm đáng kể.Những cổ phiếu được ưu tiên lựa chọn là các doanh nghiệp có định giá ở mức hấp dẫn hoặc có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong giai đoạn tới.
Theo Agriseco Research, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: HVN) bắt đầu ghi nhận những tín hiệu hồi phục khi kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận lợi nhuận gộp lần đầu dương sau 10 quý lỗ liên tiếp. Nguyên nhân nhờ lượng khách nội địa qua cảng hàng không trong quý 3 gấp 87 lần cùng kỳ do mức nền rất thấp do Covid-19 và nhu cầu du lịch dồn nén sau 2 năm xuất hiện dịch Covid-19. Trong khi đó lượng khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh sau khi Việt Nam tái khởi động các đường bay quốc tế cũng như dỡ bỏ hạn chế các quy định liên quan tới Covid-19 khi nhập cảnh. Sản lượng khách quốc tế ghi nhận mức tăng 35 lần so với cùng kỳ trong quý 3, tương đương mức gần 50% so với trước dịch Covid-19.
Mới đây, nhiều chuyến bay thẳng từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đã được nối lại. Trung Quốc là quốc gia chiếm hơn 1/3 sản lượng hành khách quốc tế của Việt Nam tại thời điểm trước dịch và là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản lượng hành khách tới Việt Nam, do đó đây là thông tin vô cùng tích đối với HVN.
Tuy nhiên, Agriseco vẫn lưu ý tới rủi ro huỷ niêm yết trên HOSE vẫn còn hiện hữu khi vốn chủ sở hữu HVN tính tới 30/9/2022 đang âm 7.510 tỷ đồng và Vietnam Airlines đã có 11 quý liên tiếp âm lợi nhuận sau thuế. Trong trường hợp HVN tiếp tục lỗ lợi nhuận sau thuế sau báo cáo kiểm toán năm 2022, cổ phiếu sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HOSE.
Tại CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP), Agriseco cho rằng giá nguyên liệu hạt nhựa PVC suy giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận. Hiện, doanh thu từ sản phẩm ống và phụ tùng PVC chiếm tỷ trọng lớn nhất với 68%. Từ đầu năm 2022 tới nay giá hạt nhựa PVC đã trở nên ổn định hơn và thậm chí còn suy giảm trong thời gian gần đây xuống còn khoảng 900-950 USD/tấn, giảm từ mức đỉnh 1.850 USD/tấn vào tháng 10 năm ngoái. Điều này có thể giúp NTP có thể cải thiện biên lãi gộp trong quý 4 và các quý kế tiếp.
Đồng thời, NTP là một trong các doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC. Hiện SCIC đang sở hữu 37,11% cổ phần NTP. Agriseco kỳ vọng NTP có thể được thoái vốn với giá cao hơn giá hiện tại. Hiện nay NTP đang sở hữu 1 khu đất có tổng diện tích khoảng 9,3 ha tại An Đà, Hải Phòng đã có quy hoạch xây chung cư; giá thị trường của mảnh đất này có thể cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách.
Trong khi đó, CTCP Nhiệt Điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) vừa ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 147 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng điện thương phẩm tăng so với mức nền thấp cùng kỳ và các chi phí giảm. Trong thời gian tới, giá điện và sản lượng điện huy động sẽ tăng do huy động từ nguồn thủy điện giá rẻ giảm trong các quý tới, Agriseco kì vọng doanh thu và lợi nhuận gộp của QTP tiếp tục cải thiện so với các năm trước. Cơ cấu tài chính lành mạnh hơn với dư nợ ngọai tệ và chi phí lãi vay giảm dần qua các kỳ giúp QTP tránh được áp lực tỷ giá. Dư nợ vay của QTP có mức giảm khoảng 200 tỷ/ năm, theo đó chi phí lãi vay tiết kiệm khoảng 40-50 tỷ/năm. Mặt khác, dự kiến QTP sẽ hết khấu hao trong 1-2 năm tới và bức tranh tài chính trở nên tích cực hơn. Đáng chú ý, QTP là một trong những mã có cổ tức và định giá khá hấp dẫn. Cụ thể cổ tức của QTP ở mức 15-20% mệnh giá trong khi định giá so sánh theo phương pháp P/B dưới 1 lần.
Đối với Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (mã chứng khoán: PVT), nhu cầu đối với tàu chở dầu đang tăng mạnh kể từ giữa năm nay, khi Liên minh châu Âu EU áp dụng các lệnh trừng phạt về dầu thô đối với Nga, và xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Agriseco cho rằng lệnh cấm vận dẫn đến hải trình vận chuyển dầu khí xa hơn khi Nga cần vận chuyển nhiều hơn đến thị trường Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Ngược lại EU cũng cần nhập khẩu từ các nước xa hơn. Chỉ số về giá cước liên quan tới hoạt động kinh doanh của PVT như cước vận tải dầu thô (Baltic dirty tanker), cước vận tải các xăng dầu thành phẩm (Baltic clean tanker) đều tăng mạnh trong thời gian gần đây, ủng hộ tích cực kết quả kinh doanh của PVT. Đồng thời, động lực tăng trưởng dài hạn từ việc mở rộng và trẻ hóa đội tàu. Theo đó, triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo nhờ vào các tàu mới có thể chạy tuyến định hạn quốc tế với chi phí thấp hơn các chủ tàu nước ngoài.
Agriseco Research cũng kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý 4 của CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) sẽ tăng mạnh nhờ ghi nhận thu nhập từ tiền đền bù đất hơn 400 tỷ đồng ở dự án VSIP 3. Năm 2023, Agriseco dự kiến PHR sẽ tiếp tục nhận hơn 200 tỷ đồng tiền đền bù đất cao su còn lại. Tuy nhiên lợi nhuận ròng ước tính cho năm 2023 có thể giảm khi thu nhập từ đền bù đất thấp hơn.
Dù vậy, động lực dài hạn từ mảng BĐS KCN khi PHR hưởng lợi nhiều từ việc các dự án KCN Tân Lập 1, KCN Tân Bình mở rộng kỳ vọng được phê duyệt và triển khai trong năm 2024 - 2025. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng nhờ các khoản đầu tư vào công ty liên kết như NTC, VSIP 3 khi các dự án Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 đi vào hoạt động.
Hiện, cổ phiếu PHR đang được định giá khá hấp dẫn với mức P/B TTM ~ 1,7x, thấp hơn các công ty tương đồng trong ngành và trung bình 3 năm trong quá khứ. Agriseco nhận định PHR có triển vọng kết quả kinh doanh trong quý 4 tăng trưởng mạnh, bên cạnh đó doanh nghiệp chuẩn bị chi trả cổ tức tiền 40% đợt 1/2022, với tỷ suất ước tính trên 9% sẽ là cơ hội đầu tư tốt trong thời gian này.
Tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM), kỳ vọng thị trường nội địa tăng trưởng lợi nhuận trở lại từ quý 4 năm nay củng cố lợi nhuận của Vinamilk khi doanh nghiệp đang tăng độ hiện diện khi mở mới thêm 600 điểm lẻ. Theo ban lãnh đạo công ty, các ngành hàng chủ lực (sữa đặc có đường, sữa chua ăn, sữa nước) tiếp tục tăng trưởng tốt và dẫn đầu thị phần. Hiện giá nguyên liệu lại đang có xu hướng giảm, qua đó, VNM có thể tận dụng các hợp đồng mua nguyên liệu với giá thấp hơn.
VNM đang có kế hoạch đầu tư thêm 42 triệu USD vào thị trường Campuchia để xây dựng trang trại bò sữa hướng tới mục tiêu cho sữa trong vòng 2-3 năm tới và mở rộng diện tích nhà xưởng tại Angkormilk, nâng công suất sản xuất lên 90 triệu lít các loại mỗi năm. Agriseco Research kì vọng doanh thu thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong các quý tới bù đắp cho hoạt động xuất khẩu trực tiếp ảnh hưởng bởi lạm phát.
Ở khía cạnh khác, Vinamilk sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh. Tại thời điểm 30/9/2022, số dư tiền ròng là 12.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản, giúp VNM hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng.