Công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI vừa công bố chatbot mới mang tên ChatGPT, có khả năng trả lời câu hỏi như người thật. Người dùng có thể nhập câu hỏi bằng ngôn ngữ hàng ngày và chatbot sẽ phản hồi trôi chảy, lưu loát giống như một cuộc trò chuyện bình thường. ChatGPT đã gây ấn tượng nhờ khả năng giao tiếp của mình, thu về hơn một triệu người dùng thử chỉ sau một tuần ra mắt.
Tuy nhiên, chatbot này vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu khi thông tin không hoàn toàn chính xác. OpenAI đã cảnh báo rằng ChatGPT “có thể trả lời thông tin sai lệch và gây hiểu lầm” nên người dùng cần cẩn thận khi sử dụng.
Chatbot “đa tài”
Theo Cnet, ChatGPT được phát triển từ mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 trước đó của OpenAI. AI này có thể ghi nhớ cuộc hội thoại, sử dụng những câu hỏi và câu trả lời trước đó để phản hồi người dùng.
Người dùng có thể hỏi vô hạn câu hỏi và nhận được nhiều phản hồi hữu ích từ AI này. Đơn cử như người dùng có thể nhập những câu hỏi về kiến thức toàn thư như “Giải thích định luật chuyển động của Newton” cho đến những câu lệnh đơn giản như “Sáng tác một bài thơ”.
Thậm chí, ChatGPT còn có thể lập trình những đoạn mã Python hay luận văn học thuật nếu được yêu cầu. Song, điều này đã làm dấy lên quan ngại rằng AI có thể thay thế nghề nghiệp của con người như nhà báo hay lập trình viên…
Cnet cho rằng ChatGPT có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và sở hữu khả năng giao tiếp, tương tác với câu hỏi của người dùng rất ấn tượng. Dù yêu cầu làm thơ với một từ khóa bất kỳ, chatbot này vẫn có thể sáng tác một cách trôi chảy.
So sánh với công cụ tìm kiếm của Google, ChatGPT cũng có cách thức hoạt động kiểu hỏi - đáp tương tự nhưng nổi trội hơn hẳn. Google sẽ đề xuất một vài câu trả lời và hiển thị đường link liên quan. Trong khi đó, những kết quả ChatGPT đưa ra sẽ giải đáp trực tiếp vấn đề, vượt xa đề xuất của Google Tìm kiếm.
ChatGPT chưa thể thay thế Google Search
Nhưng ChatGPT không phải là kẻ “biết tuốt”. Trên thực tế, công cụ AI này học hỏi từ các thông tin lặp lại trong bộ dữ liệu huấn luyện thu thập trên Internet. Sau đó, thông qua quá trình tương tác với người thật, chatbot sẽ tạo ra những đoạn hội thoại mượt mà hơn.
Do đó, chỉ cần lặp đi lặp lại một cụm từ, ChatGPT sẽ học theo và trả lời sai. Một số câu trả lời người dùng nhận được có vẻ nghe rất hợp lý và có căn cứ nhưng có thể sẽ là những thông tin sai lệch.
StachOverflow, chuyên trang cho lập trình viên phần mềm, đã cấm những chương trình hoạt động dựa trên câu trả lời của ChatGPT. “Tỷ lệ ChatGPT trả lời chính xác rất thấp nên việc đăng tải đáp án của chatbot này sẽ làm giảm chất lượng website, ảnh hưởng đến những người dùng muốn tìm đáp án chính xác”, ban quản trị StachOverflow cho biết.
Nhưng AI cũng sẽ cảnh báo người dùng nếu những thông tin trong câu trả lời chưa được xác minh. “Tôi xin lỗi nhưng tôi không thể tìm thông tin này trên Internet và cũng nằm ngoài bộ dữ liệu tôi được huấn luyện”, ChatGPT phản hồi khi gặp một câu hỏi khó.
Do đó, Cnet cho rằng người dùng không nên tin hoàn toàn vào các câu trả lời của ChatGPT mà nên kiểm chứng kỹ càng. Google có thể không đưa ra kết quả trực tiếp như chatbot của OpenAI nhưng được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ khổng lồ và kết hợp AI ngay trong công cụ tìm kiếm.
Trước đó, OpenAI đã phát hành mô hình ngôn ngữ GPT-3, có thể tạo lập văn bản y hệt người thật và công cụ DALL-E, tạo hình ảnh từ văn bản. GPT-3, GPT-3.5 và ChatGPT đều được huấn luyện để tạo văn bản dựa trên bộ dữ liệu có sẵn và được lập trình để tự động học tập dựa trên một hệ thống máy tính khổng lồ.
Trước tiên, hệ thống sẽ tìm một đoạn văn bất kỳ, xóa một vài ký tự và yêu cầu AI điền vào những đoạn còn thiếu, sau đó sẽ so sánh với bản gốc và xếp hạng những AI có kết quả tốt nhất. Quá trình này sẽ được lặp lại liên tục và nhờ đó AI sẽ có khả năng tạo lập văn bản không khác gì người thật.