Việc đặt tên cho các cơn bão đã trở thành một phần quan trọng trong công tác dự báo và cảnh báo thiên tai. Quy trình này không chỉ giúp dễ dàng hơn trong việc theo dõi các cơn bão, mà còn giúp người dân nhanh chóng nhận biết và chuẩn bị trước các tình huống khẩn cấp.
Đặt theo địa danh, ngắn gọn để dễ nhớ
Trước khi có hệ thống đặt tên chính thức, bão được nhận diện chủ yếu bằng cách gọi theo địa danh mà nó đi qua hoặc những sự kiện liên quan. Trước những năm 1950, các cơn bão nhiệt đới thường được đặt tên sau khi chúng đã xảy ra.
Những cái tên này được đặt theo năm và thứ tự chúng diễn ra trong năm đó. Đôi khi, chúng còn được đặt biệt danh thông qua các giai thoại, nhưng đây không phải là một cách làm hữu ích khi lưu giữ hồ sơ.
Chẳng hạn như một cơn bão có thể được đặt tên theo tàu thuyền từng bị nó phá hủy, hoặc theo ngày lễ thánh khi nó xuất hiện. Một ví dụ điển hình là "Bão Antje” được đặt theo tên của một con tàu bị cơn bão phá hủy.
Bão Yagi (tên gọi ở Việt Nam là bão số 3) được dự báo sẽ yếu đi khi di chuyển về phía bắc Việt Nam, theo Trung tâm Cảnh báo Siêu bão Mỹ.
Việc đặt tên cho bão bắt đầu được chuẩn hóa vào những năm 1950. Ban đầu, các cơn bão ở Đại Tây Dương được đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái với tên nữ giới. Đến năm 1978, tên nam giới cũng được bổ sung vào danh sách và sử dụng xen kẽ với tên nữ giới. Từ đó, mỗi năm sẽ có một danh sách tên mới được sử dụng với các tên được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
Theo Tổ chức Đo lường Thế giới, việc đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới giúp việc theo dõi và thảo luận về các cơn bão cụ thể trở nên đơn giản hơn. Đặc biệt là khi có nhiều cơn bão hoạt động đồng thời. Việc đặt tên cũng giúp tránh nhầm lẫn giữa các nhà khí tượng học, giới truyền thông, cơ quan quản lý và công chúng.
Ngày nay, việc đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới ở khu vực Thái Bình Dương tuân theo danh sách cụ thể do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) biên soạn và được phối hợp thông qua Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Danh sách này bao gồm các tên được đệ trình bởi các quốc gia trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Hàn Quốc.
Tên của mỗi cơn bão được quyết định khi nó chính thức trở thành bão nhiệt đới, với sức gió tối thiểu 39 dặm/h (63 km/h). Nếu sức gió tăng lên trên 74 dặm/h (khoảng 119 km/h), nó sẽ được phân loại thành bão.
Mỗi quốc gia trong khu vực sẽ đề xuất 10 tên và những tên này sẽ được sử dụng luân phiên trong các năm. Ở Thái Bình Dương, tên bão thường được chọn từ các địa danh, động vật hoặc thực vật có ý nghĩa văn hóa đối với quốc gia đề xuất.
Ví dụ, Việt Nam đã đăng ký các tên bão như Sơn Tinh, Ba Vì, Côn Sơn, Trà Mi và Hạ Long. Những cái tên này không chỉ giúp nhận diện bão mà còn mang theo ý nghĩa văn hóa. Những cơn bão được đặt tên như vậy nhằm tạo cảm giác quen thuộc và dễ nhớ cho người dân, giúp tăng cường khả năng phòng tránh và ứng phó khi bão đến.
Việc sử dụng tên riêng, ngắn gọn cũng giúp việc thông báo bằng văn bản hoặc giọng nói thuận lợi hơn, nhanh hơn và ít bị lỗi hơn so với phương pháp xác định cơn bão bằng kinh độ, vĩ độ khó nhớ, dài dòng.
Đặt tên cho bão không hề đơn giản
Tuy nhiên, nếu một cơn bão gây thiệt hại nặng nề, tên của nó có thể bị loại khỏi danh sách để tránh nhắc lại những thảm họa tương tự.
Ví dụ như cơn bão Katrina năm 2005 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở New Orleans. Sau đó, tên này đã bị loại khỏi danh sách và thay bằng tên "Katia". Hay bão Haiyan (còn gọi là siêu bão Yolanda) là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận khi đổ bộ vào Philippines năm 2013. Do tác động thảm khốc, tên Haiyan đã bị loại khỏi danh sách và thay thế bằng tên Noru.
Tương tự, những cơn bão nổi tiếng khác như Sandy (2012) hay Mangkhut (2018) cũng đã bị xóa tên do thiệt hại nặng nề.
Rạng sáng 5/9, những trận sấm sét dội xuống Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) được mô tả dữ dội như "hiệu ứng trong phim bom tấn". Ảnh: Weibo.
Theo WMO, việc quyết định loại bỏ tên bão sẽ được đưa ra trong các cuộc họp hàng năm. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão có thể đề xuất loại bỏ tên và đề xuất tên thay thế. Ví dụ, Việt Nam từng đề xuất bỏ tên bão "Chanchu" vì đã gây ra thiệt hại nặng nề cho địa phương.
Ngoài Thái Bình Dương, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng có quy định riêng về việc đặt tên bão. Ở Bắc Ấn Độ Dương, các cơn bão nhiệt đới bắt đầu được đặt tên từ năm 2020, với danh sách tên được sắp xếp theo bảng chữ cái và không phân biệt giới tính.
Tương tự, các cơn bão ở Đại Tây Dương có một danh sách tên nam và tên nữ được sử dụng theo chu kỳ 6 năm. Trong trường hợp có hơn 21 cơn bão nhiệt đới được đặt tên xuất hiện trong một mùa, danh sách tên bổ sung sẽ được sử dụng.
Ở khu vực châu Âu, Met Éireann (Ireland), Văn phòng Khí tượng của Anh và KNMI (Hà Lan) đã hợp tác để lập danh sách tên bão cho mùa bão năm 2024-2025. Một số tên trong danh sách được lựa chọn từ đề xuất của học sinh và người dân.
Song, việc đặt tên cho bão không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa văn hóa. Những cái tên được chọn thường phản ánh đặc điểm địa lý, sinh thái hoặc truyền thống của quốc gia đề xuất.
Tuy nhiên, việc đặt tên cũng có thể mang lại những hệ quả khó lường. Nếu một tên bão trở nên nổi tiếng vì gây thiệt hại nặng nề, những người có cùng tên có thể phải chịu sự phân biệt hoặc kỳ thị không đáng có.
Ví dụ, sau khi cơn bão Katrina tàn phá nước Mỹ vào năm 2005, cái tên này đã giảm mạnh trong bảng xếp hạng tên trẻ em ở Mỹ. Tương tự, tên "Isis" cũng bị loại khỏi danh sách tên bão vì sự trùng lặp với tên của một tổ chức khủng bố.