Millennials, thế hệ sinh từ năm 1981 đến 1995, chưa bao giờ thuận lợi khi tham gia thị trường bất động sản. Núi tiền nợ sinh viên, tình trạng thiếu nhà ở và sự cạnh tranh từ thế hệ lớn tuổi rủng rỉnh tiền bạc đã đẩy người trẻ này đứng ngoài lề thị trường lâu hơn so với các thế hệ trước.
Bất chấp những khó khăn đó, Millennials vẫn dẫn đầu bởi họ là nhóm khách hàng chính đến tuổi mua nhà ở.
Tuy nhiên, sau khoảng một thập kỷ Millennials đứng trên "đỉnh" thị trường nhà đất, thế hệ "Baby Boomer" (những người sinh trong khoảng năm 1946 đến 1964) bất ngờ chiếm thế thượng phong, theo Insider.
Chia rẽ thế hệ
Theo Insider, yếu tố quan trọng giúp thế hệ Baby Boomer lội ngược dòng trên thị trường bất động sản chính là tiền mặt. Thế hệ này đã có nhiều thăng tiến hơn trong sự nghiệp và dành hàng thập kỷ để tích lũy vốn mua nhà.
Mặc dù sự đảo ngược vị thế một cách đột ngột là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thế hệ Baby Boomer, song nó cũng dự báo tương lai ảm đạm đối với những Millennials muốn sở hữu nhà đất.
Nó cũng là dấu hiệu của sự chia rẽ thế hệ.
Giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2012, những người thuộc thế hệ Baby Boomer trở thành nhóm người mua nhà lớn nhất, theo dữ liệu mới từ Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia Mỹ.
Nhóm lớn tuổi đã mua 39% nhà bán ra trong khoảng thời gian trên, tăng từ mức 29% của năm trước đó. Ở chiều ngược lại, Millennials chứng kiến thị phần của mình giảm còn 28%, so với 43% của năm trước.
Dù tốt hay xấu, quyền sở hữu nhà là hình thức xây dựng tài sản phổ biến nhất đối với hầu hết hộ gia đình Mỹ.Khi người trẻ buộc phải trì hoãn việc mua bất động sản và tiếp tục thuê nhà, họ đã bỏ lỡ những năm mà lẽ ra có thể dành để tích lũy vốn chủ sở hữu.
Thị trường nhà ở không phải là một trận đấu giữa các thế hệ. Nhưng vào thời điểm không có đủ nhà để ở, và các chủ nhà dựa vào giá trị bất động sản ngày càng tăng để làm giàu, dường như sự thịnh vượng của một thế hệ là cái giá phải trả cho một thế hệ khác.
Cuộc đua không cân sức
Millennials đã chịu đựng khó khăn trong nhiều năm. Cuộc Đại suy thoái khiến thế hệ này bắt đầu sự nghiệp chậm chạp hơn, đồng thời kiếm được ít tiền hơn so với cha mẹ mình.
Trong những năm sau đó, các nhà xây dựng ở Mỹ không xây đủ căn hộ để đáp ứng nhu cầu bùng nổ từ người mua trẻ tuổi.
Từ năm 2010 đến 2019, các công ty đã xây dựng khoảng 21.000 ngôi nhà dành cho hộ gia đình, chỉ bằng một nửa so với số lượng xây dựng cùng khoảng thời gian trong 3 thập kỷ trước đó.
Nhưng đến năm 2019, Millennials có những bước tiến vững chắc hơn: Quá trình phục hồi sau suy thoái đồng nghĩa với thị trường lao động đang ở vị trí vững chắc, tiền tiết kiệm tăng lên. Thế hệ này trì hoãn các mốc quan trọng trong cuộc đời so với truyền thống và có ít tài sản hơn các thế hệ trước, nhưng họ mua nhiều nhà hơn bao giờ hết.
Mọi thứ đảo chiều trong thời kỳ đại dịch. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở kéo dài, lãi suất thế chấp gần như thấp kỷ lục, và lực lượng lao động đột ngột mất việc làm đã khiến giá nhà tăng vọt, đẩy cuộc cạnh tranh để tìm một nơi ở mới trở nên khốc liệt.
Millennials, thế hệ đáng ra ở vị trí lý tưởng để mua được nhà lại bị đẩy lùi ra phía sau.
Cùng lúc đó, những người thuộc thế hệ Baby Boomer có thể tận dụng lợi thế kinh tế của họ để quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo công ty môi giới bất động sản Mỹ Redfin, các giao dịch mua nhà bằng tiền mặt đã tăng lên kể từ đầu năm 2021; trong tháng 10/2022 khoảng 1/3 số người mua nhà đã thanh toán bằng tiền mặt, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2014.
Việc chuyển hướng sang trả bằng tiền mặt đã mang lại lợi thế cho những người thuộc thế hệ Baby Boomer, vì họ có rất nhiều vốn để khai thác. Trong giai đoạn khảo sát mới nhất của NAR, 51% những người thuộc thế hệ lớn tuổi (68-76 tuổi) đã thanh toán bằng tiền mặt, so với chỉ 6% người mua từ 32 tuổi trở xuống.
Trong khi người trẻ tuổi mua nhà với mong muốn đạt được nấc thang mới về sự giàu có, những người lớn tuổi chủ yếu mua nhà vì thôi thúc muốn sống chậm lại.
Những người trong độ tuổi 58-76 nói rằng họ muốn có một bất động sản nhỏ hơn, hoặc được ở gần gia đình và bạn bè khi về hưu. Với động lực đó, nhiều chuyên gia không thể biết liệu cơn bùng nổ mua nhà của người lớn tuổi có kéo dài, hay chỉ là đốm sáng giữa một thị trường đang có nhiều xáo động.