Những nội dung được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đang tràn ngập khắp mạng xã hội từ những cuộc hội thoại giả danh chính trị gia, sách do máy viết bán trên Amazon hay trailer phim mô phỏng như thật… Tuy nhiên, những nội dung này đã gây ra làn sóng phản đối khi nhiều người người nói rằng họ không thể tiếp nhận những nội dung giả từ AI (synthetic media).
Những người lao đao vì AI
Theo NBC News, nhiều nhà phát hành tạp chí đã gặp khó khăn khi những thông tin vô bổ được AI tạo ra xuất hiện khắp nơi. Tạp chí khoa học viễn tưởng Clarkesworld trước đây thường đăng tải bài viết của những cây bút tự do, nhưng từ tháng 2 đến nay đã phải ngừng nhận cộng tác vì số lượng bài viết của AI gửi đến đột nhiên tăng cao.
“Điều này đã làm đảo lộn khối lượng công việc của chúng tôi và buộc chúng tôi phải hủy bài đăng cộng tác mà chúng tôi yêu thích”, Tổng biên tập Neil Clarke chia sẻ.
Những nội dung giả từ AI cũng bị cấm ở một số dịch vụ khác. Hồi tháng 10/2022, kho ảnh trực tuyến Getty Images và Shutterstock tuyên bố chặn toàn bộ tác phẩm do trí tuệ nhân tạo sản xuất. Mới đây, một hội nghị về AI International Conference on Machine Learning còn cho biết từ nay sẽ cấm các tài liệu học thuật, nghiên cứu khoa học của AI.
Song, những nền tảng trực tuyến lại có phần dễ dãi với công nghệ này. Google còn khuyến khích phát triển các nội dung AI, miễn là không ảnh hưởng đến hệ thống xếp hạng tìm kiếm của họ.
Do đó, một câu hỏi được các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đặt ra là liệu các nội dung giả này sẽ giúp tăng tính sáng tạo, đa dạng của các nền tảng số hay chỉ phá hoại nó.
“Chúng ta dường như không thể kiểm soát cách AI được ứng dụng trên các website và cách các hãng xây dựng chúng. Do đó, cái khó nằm ở chỗ chúng ta phải có ban chuyên môn quản lý AI và cách nó được sử dụng vào đời sống”, chuyên viên Maggie Appleton ở phòng nghiên cứu AI Ought nhận định.
Theo NBC News, hiện có rất ít điều luật quy định về sử dụng nội dung do AI tạo lập. Trên YouTube, hàng loạt video AI do Midjourney và Stable Diffusion làm giả được đăng tải khắp nơi.
Một nhân viên bán hàng tên Brett Schickler (ngụ ở New York) chia sẻ anh đã phát hành một cuốn sách thiếu nhi dài 30 trang. Nhưng điều đặc biệt là toàn bộ nội dung đều được viết bằng ChatGPT3, chatbot AI đang làm mưa làm gió gần đây.
“Tôi mất chưa đến một giờ để viết cả quyển sách”, Schickler chia sẻ. Trong khi đó, cửa hàng sách trực tuyến Kindle của Amazon hiện cũng có hơn 200 cuốn e-book đề tên tác giả là ChatGPT, Reuters cho biết.
Schickler cho biết tài khoản TikTok của anh đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem nhờ những video quay lại cách anh dùng ChatGPT3 và Kindle Direct Publishing để phát hành quyển sách của riêng mình mà chẳng tốn nhiều công sức.
AI xâm chiếm mạng xã hội
Theo NBC News, trên TikTok, các video chứa giọng nói giả lập của AI cũng nhận về rất nhiều yêu thích của người dùng. Nhiều người đã sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để giả giọng người nổi tiếng, chính trị gia, tạo ra các đoạn hội thoại như thật.
Nhà sáng tạo nội dung Elyza Halpern đã làm cả một chuỗi video tự chế những đoạn trò chuyện của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama mang hàm ý chế giễu, đùa cợt.
Mặc dù nội dung nói chuyện giữa hai người rất nhảm nhí, giọng nói được sử dụng trong video lại giống thật đến mức đáng kinh ngạc. Halpern cho biết cô trả phí 5 USD/tháng để sử dụng app Celebrity Voice Changer, chuyên biến đổi giọng nói.
Độc đáo là vậy nhưng nhà sáng tạo nội dung cũng lo ngại việc AI xuất hiện khắp nơi sẽ ảnh hưởng đến công việc, vai trò của con người trong thế giới thật. “Điều đáng sợ là những doanh nghiệp vốn dùng nhân sự là người thật nay lại nghĩ rằng AI sẽ có thể làm tất cả. Trí tuệ nhân tạo đúng là con dao lưỡi”, Halpern chia sẻ.
Theo Tổng biên tập Neil Clarke, hiện nay đã có nhiều công cụ giúp phát hiện nội dung giả từ AI nhưng độ hiệu quả chưa cao, tỷ lệ chính xác còn chưa đến 50% nên đội ngũ của cô thường phải tự lọc những đơn đăng ký bài viết trên số báo bằng sức người.
Với tiềm năng của công nghệ AI trong tương lai, Appleton dự đoán lĩnh vực Internet sẽ ngày càng bành trướng nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức. “Nhân loại đang đối diện với rất nhiều nguy cơ. Chúng ta sẽ được tiếp cận với nhiều thông tin hơn nhưng bù lại sẽ khó lòng xác định đó là nội dung do người viết hay do máy bịa ra”, chuyên viên Maggie Appleton của Ought nhận định.