Những người trên 50 tuổi hiện là nhóm chi tiêu nhiều nhất ở Hàn Quốc. Họ thậm chí còn đánh bại người tiêu dùng trẻ tuổi về mua hàng trực tuyến.
Điều này khiến doanh nghiệp chuyển mục tiêu sang nhóm nhân khẩu học này nhiều hơn, Chosun Ilbo đưa tin.
Theo KB Kookmin Card, số tiền thanh toán bằng thẻ tín dụng của người già đã tăng 17% vào năm 2022, vượt xa mức 11% trong độ tuổi 20-49.
Khả năng mua hàng trên các nền tảng trực tuyến của người trên 65 tuổi tăng 58%, so với 13% ở nhóm còn lại. Họ cũng tiêu tiền nhiều hơn 40% cho các ứng dụng giao hàng. Ngược lại người trẻ và trung niên chỉ nhỉnh hơn mốc cũ 7%.
“Có vẻ như những người lớn tuổi đã quen với việc đặt hàng trực tuyến trong thời gian phong tỏa vì đại dịch”, một nhân viên của KB Kookmin Card cho biết.
Tỷ lệ người tiêu dùng trên 50 tuổi mua hàng trên mạng và đặt đồ giao tận nơi đã tăng từ 18% năm 2021 lên 21% vào năm ngoái. Họ vung mạnh tay cho các dịch vụ liên quan đến sắc đẹp và giải trí.
Ngoài ra, doanh số bán tour du lịch cho du khách trên 65 tuổi cũng vượt ngưỡng 96% và 82% với nhóm từ 50 đến 64 tuổi. Con số này chỉ hiển thị ở mức 56% với người tiêu dùng trẻ.
Các buổi hòa nhạc và trình diễn khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Trong các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và chăm sóc da, doanh thu từ khách hàng cao tuổi đã tăng 31%, so với chỉ 4% ở nhóm người trẻ.
Ngược lại, trước cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt, giới trẻ xứ củ sâm phải chi tiêu tằn tiện, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần.
Theo Ngân hàng Hàn Quốc, 4,47 triệu người dân đã tiến hành vay cùng lúc nhiều khoản vào cuối năm 2022, tăng 76.000 người so với một năm trước đó.
Trong đó, số lượng thanh niên ở độ tuổi 20-39 tăng mạnh nhất - từ 65.000 lên 1,42 triệu người. Nguyên nhân khiến số người vay nợ trẻ tuổi tăng trong 3 năm qua được cho là biến động của thị trường chứng khoán và tiền điện tử.
Thậm chí, nhiều người trong số đó còn nợ tiền từ 3 tổ chức tài chính trở lên và đang phải trả lãi suất cao vì mượn từ các nguồn khác nhau, bên cạnh ngân hàng.
Ngoài ra, thanh niên xứ kim chi cũng ngày càng khó kiếm việc làm và có mức lương đủ tốt để có thể trang trải cuộc sống.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy 1,33 triệu người từ 15 đến 29 tuổi thất nghiệp trong năm 2022.
26% trong số đó (khoảng 353.000 người) đang kẹt ở tình trạng không có công việc, không nguồn thu nhập hơn 2 năm. Lần cuối cùng con số này đạt đến mức đó là vào năm 2015 với 27,6%.
Những người “vô công rồi nghề” gần 3 năm ở quốc gia này chiếm 16,8%. Ngoài ra, 37,5% thuộc nhóm cuối cùng cho biết họ đã bỏ cuộc.
Thậm chí, tiết kiệm tiền cũng là điều xa xỉ ở Hàn Quốc. Nhiều người không có mục tiêu tài chính vì việc duy trì cuộc sống đơn giản đã đủ trở thành gánh nặng với họ.