Ngày 7/4, Petrolimex sẽ tổ chức đấu giá chào bán 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ tại PG Bank với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu thông qua phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Chia sẻ với chúng tôi bên lề sự kiện “Cơ hội đầu tư Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank)”, ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho biết: "Chúng tôi không đi tìm nhà đầu tư trực tiếp, sẽ đấu giá công khai và quyền mua là như nhau".
Kế hoạch thoái vốn tại PG Bank theo yêu cầu của Nhà nước đã được Petrolimex công bố từ lâu. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất.
Với giá đấu khởi điểm được Petrolimex đưa ra là 21.300 đồng/cp, nhóm nhà đầu tư nào chi ra số tiền tối thiểu khoảng 2.600 tỷ đồng sẽ có thể "thâu tóm" được 40% vốn mà Petrolimex để lại; qua đó đủ khả năng chi phối các quyết định của nhà băng có quy mô tài sản hơn 48.991 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin nào về những cái tên sẽ tham gia phiên đấu giá của Petrolimex. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nhiều khả năng sẽ tham gia đấu giá số cổ phần của Petrolimex là các cổ đông hiện hữu của PG Bank hoặc các tổ chức, cá nhân liên quan đến các cổ đông này.
Được biết, PG Bank là ngân hàng có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Theo thông tin được ngân hàng công bố, tại thời điểm ngày 26/10/2020, ngân hàng ghi nhận gồm 53 cổ đông tổ chức với tỷ lệ sở hữu là 67,37%, riêng Petrolimex hơn 40%. Tỷ lệ này đã cô đặc hơn rất nhiều khi biên bản cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 26/4/2022 cho biết chỉ 43 cổ đông tham dự đã đại diện cho 96% cổ phần có quyền biểu quyết.
Trong dòng chảy thông tin trên thị trường, MSB mới đây đã công bố sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tờ trình cũng cho biết, dự kiến TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Trước đó, thị trường từng đồn đoán về sự gia tăng ảnh hưởng tại PG Bank của một "ông lớn’’ trong lĩnh vực bất động sản có liên quan với MSB. Tin này được cho là có cơ sở khi một số nhân sự của MSB sang làm sếp lớn tại PG Bank.
Ngoài ra, MSB cũng không phải là đối tác xa lạ với PG Bank khi đến cuối năm 2018, ngân hàng vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 9,98% vốn tại đây. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào đã mua số cổ phiếu trên.
Trở lại với PG Bank, ngân hàng này không thuộc nhóm ngân hàng yếu kém và nợ xấu cũng dưới 3%, tương đối phù hợp với các tiêu chí mà MSB đã công bố. Và điểm đáng chú ý là nhà băng này từng nhiều lần lên kế hoạch sáp nhập với các ngân hàng khác nhưng đều không thành công.
Ở thương vụ đầu tiên, PG Bank muốn tiến tới “hôn nhân” với VietinBank nhưng bất thành do vướng mắc về pháp lý. Sau VietinBank, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã từng tìm đến PGBank. Hai bên cho biết đã có quá trình "đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu", nhưng không có thỏa thuận nào được thông qua.
Tiếp đó, HDBank xuất hiện. Hai ngân hàng đã đi tới những bước cuối cùng. Theo lộ trình khi đó, hai ngân hàng dự kiến hoàn tất thương vụ sáp nhập vào tháng 8/2018 sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán. Tuy nhiên, các bước trong kế hoạch đã không như dự kiến. Và đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Ban lãnh đạo PGBank mới chính thức thông báo dừng kế hoạch sáp nhập này.