Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp khoảng cách giữa con người và công nghệ ngày càng thu hẹp. Các chương trình máy tính hiện nay đã có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật với chất lượng rất cao chỉ trong vài giây.
Các chuyên gia trong ngành đều khẳng định đây sẽ là thị trường tiềm năng, mang lại hàng nghìn tỷ USD trong tương lai. Tuy vậy, xu hướng này đang có nguy cơ đẩy những họa sĩ đến bờ vực thất nghiệp.
AI sáng tạo là gì
AI học thông qua việc nhập từ khóa để tìm các hình ảnh phù hợp trên mạng. Quy trình này bắt đầu từ việc người dùng đăng ảnh và miêu tả hình ảnh đó bằng các từ khóa.
Điều này giúp máy móc “học” được các hình ảnh thực. Và hiện tại, quá trình này đã được đảo ngược khi từ những từ khóa, các hình ảnh mới, chưa từng được xuất hiện được tạo ra.
Để làm được điều này AI phải được dạy với một kho dữ liệu đa dạng và khổng lồ. Nguồn dữ liệu này có thể tới từ Internet với kho hình ảnh đi kèm với các từ ngữ miêu tả.
Bằng công nghệ Deep Learning (học sâu), AI không chỉ hiểu mô tả đơn giản của một sự vật, mà thay vào đó tìm ra mối liên hệ giữa các vật khác nhau. Ví dụ từ khóa “mèo" sẽ gắn liền với những từ khóa như “động vật", “lông” hay “vật nuôi",...
Sau đó thông tin này sẽ kết hợp với những hình ảnh khác được người dùng đăng tải từ trước để tạo ra tác phẩm. Và quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại cho tới khi tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh.
Quá trình khuếch đại này là hoàn toàn ngẫu nhiên, vì vậy, AI sẽ tạo ra nhiều kết quả khác nhau. Ví dụ, khi người dùng muốn tạo ra con mèo lái ô tô, dữ liệu này sẽ tìm tất cả các hình ảnh con mèo và ô tô.
Sau đó AI sẽ tìm ra những điểm chung của hai dữ liệu này để giúp chúng kết hợp thành một bức tranh phù hợp nhất với yêu cầu của người dùng.
Công nghệ “gây bão”
Khoảng một vài tháng trở lại đây, công nghệ AI nghệ thuật đã gây bão trên toàn thế giới. Theo thông tin từ Statisia, trên khắp các nền tảng mạng xã hội, những từ khóa như “AI sáng tạo”, “AI vẽ tranh” đều nằm trong top đầu được người dùng tìm kiếm.
Không khó để người dùng tìm thấy một hội nhóm chia sẻ những bức tranh được AI vẽ tại Facebook. Hay trên Twitter, những tài khoản tự xưng là “họa sĩ” chuyên đăng tải tác phẩm được tạo nên bằng các phần mềm vẽ tranh AI mọc lên “như nấm sau mưa”.
Những bộ công cụ như DALL-E 2, Midjourney và Stable Diffusion đang bùng nổ trên Internet và trở nên phổ biến một cách nhanh chóng. Cụ thể, DALL-E 2 có hơn 1,5 triệu người dùng tạo ra hơn hai triệu hình ảnh mỗi ngày, trong khi máy chủ Discord chính thức của Midjourney có hơn 3 triệu thành viên.
AI quả là "món quà trời cho"
Nhà điêu khắc người Mỹ Benjamin Von Wong
Không ít nghệ sĩ từng sử dụng DALL-E 2 đã tỏ lời khen ngợi dịch vụ này. Nhà điêu khắc người Mỹ Benjamin Von Wong nhận xét: "Tôi không tự tin vào khả năng vẽ nháp của mình, vậy nên DALL-E quả là "món quà trời cho".
Họa sĩ, nhà thiết kế Mỹ Aza Raskin hồi đầu năm nay cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp dàn dựng một đoạn clip ca khúc cho ca sĩ Zia Cora.
“AI có khả năng tính toán những yếu tố này để tạo ra sản phẩm "nháp", từ đó giúp người thiết kế MV tiết kiệm được một khoảng thời gian và công sức đáng kể", ông Raskin cho biết.
Tuy vậy, theo các chuyên gia tại Artnet, sự bùng nổ chóng mặt này đã gây ra một cơn “địa chấn” trong giới sáng tạo, đặc biệt là với nhà thiết kế đồ họa và họa sĩ tự do.
Chất xám của ai?
Không phải ai cũng tỏ thái độ tích cực với AI. Một câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ đang đặt ra là liệu AI có đang thay thế họ hay không. Hiện còn quá sớm để đưa ra một kết luận chính xác, nhưng dựa theo xu hướng hiện nay, nhiều khả năng nghệ sĩ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.
“Mọi thứ thật sự hỗn loạn, mọi nghệ sĩ đều lo lắng về công việc của họ”, Liz DiFiore, chủ tịch của Hiệp hội Nghệ sĩ Đồ họa, cho biết.
Một vấn đề khác đang được tranh luận sôi nổi là quyền sở hữu trí tuệ các tác phẩm do AI tạo ra. Về lý thuyết thì AI không thể "sáng tạo" ra cái gì mới. Những tác phẩm của AI đều được tổng hợp từ những thứ sẵn có.
Mọi nghệ sĩ đều lo lắng về công việc của họ
Liz DiFiore, chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Đồ họa
Những người phản đối AI cho rằng vì vậy nên các tác phẩm do AI tạo ra không nên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và nếu nghệ sĩ phát hiện tác phẩm của mình được AI dùng làm tài liệu để từ đó tạo ra sản phẩm kiếm lời thì người nghệ sĩ có quyền kiện ra tòa.
Đầu tháng này, một họa sĩ Hàn Quốc với tài khoản Twitch “ato1004fd” đã phát trực tiếp quá trình vẽ tranh một nhân vật trong tựa game Genshin Impact. Buổi phát trực tiếp này đã thu hút tới hơn 22.000 người theo dõi.
Trong số đó, một người xem đã chụp màn hình tác phẩm này, sử dụng A.I. để “hoàn thành” nó và đăng phiên bản của riêng mình lên mạng xã hội, sau đó cáo buộc “ato1004fd” ăn cắp tác phẩm của mình.
Hành động này đã gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội trên Twitter. Cuối cùng, người dùng giả mạo đã phải xóa tài khoản của mình.
Tuy vậy, những người ủng hộ AI lại cho rằng những tác phẩm được AI tạo ra có mang tính sáng tạo chứ không phải hoàn toàn là sản phẩm “copy”. Những ông lớn trong ngành sáng tạo và nghệ thuật cũng tỏ thái độ tích cực đối với công nghệ mới này.
“Tôi nghĩ có hai sự lựa chọn trên thế giới này. Một là trở thành người nói rằng ô tô sẽ loại bỏ ngành đóng giày cho ngựa, hai là trở thành những nhà lãnh đạo kỹ thuật đưa mọi người vào thế giới mới”, Giám đốc điều hành Shutterstock Paul Hennessy cho biết.
Dù vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã hai lần bác đơn yêu cầu đưa tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra vào danh mục tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Ý kiến chung của công luận cũng là vẫn còn quá sớm để tính đến việc coi AI là người sở hữu, sử dụng AI như những cá thể luật pháp.
Các công ty cung cấp dịch vụ AI như OpenAI cũng yêu cầu người dùng không thương mại hóa tác phẩm được AI tạo ra. Họ cũng tuyên bố người dùng không được lấy bừa bãi tác phẩm của người khác làm ví dụ để AI học hỏi mà phải trả tiền cho các cá nhân, tổ chức nắm quyền sở hữu tác phẩm đó.