Chỉ có kích thước bằng một nửa đồng xu, AirTag được gắn vào các vật dụng cá nhân như túi xách, chìa khóa, giúp người dùng định vị đồ vật của mình. Nhưng các nhà hoạt động vì quyền riêng tư đã cảnh báo rằng thiết bị của Apple có thể bị lợi dụng để theo dõi người dùng một cách trái phép, đặc biệt là những vụ án gần đây liên quan đến AirTag.
Theo Bloomberg, hôm 5/12, một cô gái giấu tên đã nộp đơn kiện Apple ở Tòa án bang San Francisco vì bị bạn trai cũ gắn AirTag vào gầm xe ôtô. Người đàn ông này trước đó đã thường xuyên quấy rối và làm phiền cô và dùng AirTag để tìm ra chỗ ở mới của bạn gái cũ. Cũng trong đơn kiện đó, một người phụ nữ khác đã tố Apple vì người chồng cũ đã gắn AirTag vào cặp của con cô để theo dõi mọi hành tung của họ.
Đơn kiện chỉ ra AirTag không chỉ là thiết bị theo dõi thông thường mà còn có thể dùng để giết người. Ở bang Ohio, một người đàn ông đã sử dụng AirTag để theo dõi và bắn chết bạn gái cũ. Một vụ án khác ở bang Indiana, một cô gái lại giấu AirTag trong xe của người yêu ngoại tình, lén theo đến quán bar và tông chết anh ta.
Thế nhưng, khi ra mắt AirTag vào tháng 4/2021, Apple lại khẳng định thiết bị này vẫn có thể bảo vệ người dùng khỏi những người theo dõi. Trên các sản phẩm Apple như iPhone, MacBook, chúng sẽ phát thông báo nếu phát hiện có AirTag lạ trong phạm vi bán kính kết nối Bluetooth.
Nhưng nhiều người dùng nói rằng tiếng bíp của AirTag có độ lớn chỉ 60 dB nên rất dễ bị bỏ lỡ. "Tôi có thể nắm chặt bàn tay để tiếng kêu đừng phát. Bạn cũng không thể nghe tiếng bíp nếu đặt AirTag vào thanh sắt phía trước xe hơi", Eva Galperin, Giám đốc An ninh mạng tại Tổ chức Biên giới Điện tử (Electronic Frontier Foundation), cho biết. Ngoài ra, tiếng bíp chỉ phát sau 8 giờ, thời gian mà nhiều người cho là quá muộn.
Vì thế, sau khi bị các tổ chức quyền riêng tư phản ánh, tập đoàn công nghệ đã cải tiến công nghệ bảo mật cho thiết bị của mình. Họ rút ngắn giới hạn thời gian để phát thông báo và cảnh báo người dùng Apple khi có một chiếc AirTag lạ “di chuyển cùng họ” như gắn bên dưới gầm xe. Tháng 12/2021, Apple còn phát hành ứng dụng Android có tên Device Tracker với tính năng cảnh báo tương tự.
Song, những nỗ lực này vẫn không thể làm người dùng ngừng lo lắng về quyền riêng tư của mình khi sử dụng thiết bị. “Apple đã cải tiến khả năng bảo mật trên AirTag nhưng vẫn còn quá ít và chưa đủ để cảnh báo người dùng rằng họ đang bị theo dõi”, đơn kiện ghi rõ.
Theo Bloomberg, hai người phụ nữ trong đơn kiện đã tố Apple vì đã thiếu trách nhiệm và bán một sản phẩm nguy hiểm như vậy. Họ khẳng định mình đại diện cho “những người đang bị theo dõi hoặc có nguy cơ bị AirTag theo dõi”, đồng thời yêu cầu hãng công nghệ phải bồi thường cho những tổn thất của mình.
Theo The Guardian, AirTag đã trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho những kẻ chuyên theo dõi. “Thiết bị này rẻ tiền, có kích thước rất nhỏ, khó có thể phát hiện và không yêu cầu kỹ năng gì khi sử dụng”, cô nói. Vì thế, AirTag của Apple được sử dụng phổ biến ở khắp mọi nơi.
“Tôi còn thấy người ta giảm giá AirTag trong siêu thị gần nhà. Mọi người sử dụng nó quá phổ biến làm cho việc theo dõi trở thành điều bình thường hơn bao giờ hết”, Emma Pickering, trưởng phòng tại Refuge nhận định.
Hồi tháng 6, diễn viên Hannah Rose đã cảnh báo người dùng trên Twitter sau khi phát hiện một chiếc AirTag bị cài vào người trong lúc tham gia sự kiện quảng cáo. Lúc đó, nữ diễn viên đang định lái xe về nhà vào lúc 2 giờ sáng nhưng lại nhận được thông báo rằng có người đã theo dõi cô suốt 2 tiếng qua.